(TNO) Bên cạnh một bộ phận học sinh ở trung tâm thành phố được cha mẹ đưa đón thì vẫn còn rất đông học sinh ngoại thành phải tự đi bộ đến trường với nhiều bất trắc, rủi ro.
>> Video clip: Nín thở với cảnh qua đường
>> Thất kinh chuyện qua đường: Làm gờ giảm tốc bảo vệ người đi bộ
>> Thất kinh chuyện qua đường
|
Vỉa hè có như không
Ở Trường tiểu học Bình Quới Tây (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào buổi trưa hoặc chiều, có hơn 50% học sinh phải tự đi bộ đến trường và về nhà vì nhiều lý do. Thế nhưng, dọc theo con đường Bình Quới một đoạn dài, vỉa hè chỉ còn một khoảng hẹp vì bị lấn chiếm.
Ngay cả lòng đường cũng rất hẹp, khi có xe buýt đi qua, đến các phương tiện khác cũng phải nép sát vào lề, vậy mà học sinh vẫn hằng ngày đi bộ trên con đường này để đến trường và về nhà.
Ông Tô Hữu Cường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Quới Tây, xót xa: “Hơn 50% học sinh của trường tự đi bộ đến trường học phần vì nhà gần, phần vì cha mẹ không thể đưa đón. Nhưng đường xá xe cộ đông đúc, chạy nhanh mà lề đường lại rất hẹp”.
Theo khảo sát từ Sở GD-ĐT TP.HCM và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, ở các trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây, Thanh Đa (Bình Thạnh); Hồng Đức (Q.8); Liên Trung, An Phước (Củ Chi), hơn phân nửa học sinh tự mình đi bộ đến trường.
Các trường tiểu học khác như Bạch Đằng (Bình Thạnh); Trần Danh Lâm, Lý Nhân Tông, Nguyễn Công Trứ (Q.8); Bình Mỹ, Nhuận Đức 2 (Củ Chi) cũng có hơn 30% học sinh "tự lực" đi học.
|
Số lượng các em tự đi bộ đến trường rất đông nhưng lại ít được ai chú ý, quan tâm để bảo vệ an toàn cho các em.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây, cho biết: Một thực tế ở các cổng trường có vạch kẻ đường cho học sinh ra về hay vào trường nhưng không có xe cộ nào đi ngang chịu dừng lại.
“Có trường người ta giăng dây cho học sinh qua đường, nhưng có trường lại không. Ở những nơi nhìn thấy các em qua đường không được giăng dây mà sợ”, bà Nguyệt Nga nói thêm.
Cũng không ít lần, thầy trò Trường tiểu học Bình Quới Tây thót tim khi xe buýt, xe máy ào ào lao qua lao lại mà không hề dừng trước vạch kẻ giờ tan học.
|
Bà Huỳnh Thị Ngọc Huệ, bà ngoại của Kim Ngân, học sinh đang học tại Trường Bình Quới Tây, bức xúc: “Nhà phía bên kia đường, cách trường học có mấy phút đi bộ nhưng hằng ngày tôi phải đưa đón cháu đi học. Xe cộ cứ phóng ào ào như vậy thì làm sao dám cho cháu tự qua đường?”.
Vì nguy hiểm, các em sẽ sợ đến trường
"Vận hết công lực" để sang đường Trước tình hình xe cộ lưu thông phức tạp, không nhường đường cho người đi bộ, trong nội dung giáo dục đi bộ an toàn hướng dẫn trẻ sang đường (triển khai từ tháng 12.2013 đến tháng 4.2014 tại 14 trường tiểu học trên địa bàn thành phố) có 5 bước như sau: 1. Dừng lại sát mép đường. 2. Quan sát các hướng trái - phải - trái. 3. Lắng nghe âm thanh xe (tiếng còi, tiếng động cơ). 4. Sang đường khi đường trống và tiếp tục quan sát các phía trong lúc sang đường. 5. Đi sang đường khẩn trương, không chạy, không đùa nghịch. |
Trong khi đó, khi nhóm khảo sát làm việc với các đơn vị trường học, ủy ban an toàn giao thông, bệnh viện… tại Đồng Nai thì thấy rằng có hơn 50% học sinh đi bộ.
Tại địa phương này, chỉ trong 6 tháng năm 2011, có gần 7.000 học sinh tiểu học bị thương do va quẹt trong lúc đến trường; hơn 2.500 học sinh được đưa vào bệnh viện. Trong số đó, 75% các vụ va quẹt, bị thương là do xe máy gây ra.
“Tôi nghĩ ở TP.HCM, con số các em đi bộ tới trường bị thương, bị va quẹt chắc chắn sẽ cao hơn khi lưu lượng xe qua lại rất đông. Khi xảy ra va quẹt, một vấn đề lo ngại nhất không chỉ là chuyện thương vong, mà còn là làm cho tinh thần trẻ em bị sốc, sợ hãi khi tham gia giao thông, sợ đến trường”, chị Hồng nói thêm.
Theo chị Hồng, nhiều trường hợp ở Củ Chi, học sinh tan học buổi chiều còn phải tự mình bắt xe buýt rồi đi bộ thêm một đoạn dài về nhà khi trời gần tối. Chuyện xe cộ đi trên đường không nhìn thấy, gây tai nạn là khó tránh.
Theo luật giao thông, người đi bộ phải đi bên tay phải đường. Trong khi đó, những con đường không có vỉa hè, theo phân tích bình thường nếu đi cùng chiều với chiều lưu thông của xe cộ, khả năng bị tai nạn lại cao hơn vì không chủ động né tránh được phương tiện.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận: Số lượng học sinh phải đi bộ đến trường ở TP.HCM rất lớn nhưng bản thân các em lại không có kỹ năng để đi bộ sao cho an toàn cũng như không hiểu rõ kiến thức khi tham gia giao thông. Chính vì vậy mà ý thức từ người lớn, xã hội, quan tâm đến tính mạng trẻ em khi tham gia giao thông cần được nâng cao hơn nữa.
Từ tháng 12.2013 đến tháng 4.2014, Sở GD-ĐT TP.HCM, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cùng Ban An toàn giao thông phối hợp triển khai chương trình Hành trình đi bộ an toàn đến cho hơn 13.000 học sinh ở 14 trường tiểu học trên địa bàn thành phố có tỷ lệ học sinh đi bộ đến trường cao. Chương trình này ngoài việc giáo dục, hình thành kỹ năng đi bộ an toàn cho học sinh, còn với mục đích thu hút sự quan tâm của người lớn, xã hội khi tham gia giao thông, ý thức đến an toàn của trẻ em, học sinh. |
Hoàng Quyên
Bình luận (0)