Trong ngày 24.6, trên địa bàn TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) xảy ra mưa lớn trên diện rộng khiến cho một số tuyến đường bị ngập úng như Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Quang Khải. Đây là những điểm thường xuyên bị ngập úng khi mưa lớn kéo dài, khiến nhiều phương tiện khó khăn khi lưu thông.
Xem nhanh 20h ngày 25.6: Xe khách đùa với nước lũ | Lại thêm sự cố nhiễu tín hiệu Smartkey
Đặc biệt, tại khu vực cầu Ngầm, nước lũ chảy xiết tràn qua cầu khiến người dân không thể nhìn thấy đường đi, tuy nhiên, một số phương tiện ô tô vẫn đi qua, tiềm ẩn nguy cơ bị nước cuốn trôi.
Tương tự, sáng nay 25.6 người dân cũng ghi lại hình ảnh chiếc xe khách bất chấp nước chảy xiết và đi qua ngầm tràn tại Phúc An, H.Yên Bình, tỉnh Yên Bái).
Hình ảnh trên được Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đánh giá là người dân đang "trêu đùa với thiên tai".
"Đã có rất nhiều trường hợp coi thường tính mạng khi đi qua ngầm tràn mùa mưa lũ và để lại hậu quả thương tâm. Đề nghị người dân không được chủ quan, tuyệt đối tránh đi qua các ngầm tràn, đánh bắt cá, vớt củi trên sông... vào mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn", Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai nhấn mạnh.
Thót tim xe khách chạy ngang dòng nước lũ như 'đùa với thiên tai'
Cũng trong ngày 25.6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phát đi thông báo về việc chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía bắc khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bình luận (0)