Con thân yêu,
Bố đã biết tin con không đậu. Mặc dù con cứ giấu giếm nhưng thời buổi này mọi thứ đều nhanh như cắt, chỉ nhoáng một cái là cả gia đình đều biết con đã rớt, hơn nữa, lại rớt với điểm khá thấp.
|
Con à.
Bây giờ thì bố mới nói, đây là tin vui nhất của gia đình trong mấy năm nay.
Thoạt nghe có vẻ lạ lùng vì ai cho con lên thành phố thi đều mong nó đậu, gia đình nào chả muốn khoe con cái có bằng cấp nọ kia.
Thiên hạ nhầm cả.
Chỉ mới việc con lên Sài Gòn thi thôi, bố mẹ đã phải bán đi một con heo để lấy tiền lộ phí. Mà thi có ba ngày! Nếu như sau này, con đậu, lên ở trên đó tới bốn năm năm, nhà ta sẽ bán cái gì đây? Và còn gì mà bán.
Nhưng không phải nói như thế là bố mẹ tiếc tiền. Nếu thực sự, việc học đại học là cần thiết, bố mẹ sẵn sàng bán cả ruộng vườn, riêng bố, có thể bán thân vì con cũng được. Nhưng bán để làm gì hả con?
Nội xóm mình, cũng có hơn chục đứa tốt nghiệp đại học xong đang nằm chèo queo chờ việc cả mấy năm nay kia kìa, con thừa biết rõ.
Những đứa ấy đã khiến gia đình nhịn ăn nhịn uống, bán gà bán vịt do tốn phí bao nhiêu năm trời, bây giờ ngậm đắng nuốt cay nhìn các cô các cậu cử nhân đi lại vật vờ.
Theo như chúng nó kể lại, thì chả phải chúng dốt, mà ở trên thành phố bây giờ chỗ nào cũng đầy ứ, sở làm thì có bấy nhiêu, mà mỗi năm mấy chục ngàn đứa ra trường, kiếm đâu ra chỗ. Chưa kể, ai vào những nơi ấy đều bám sống bám chết, muôn đời chả chịu về hưu, những đứa trẻ làm gì có cửa.
Buồn cười nhất là từ quê lên, nhưng dù thành phố chả có vị trí gì, những đứa ấy chả hiểu sao không chịu về quê, hoặc về cũng chả làm gì được nữa. Học thêm môn gì không biết, nhưng những môn cơ bản của ruộng đồng như cho heo ăn, chăn gà vịt, cấy lúa, cắt cỏ chúng đều quên sạch.
Đã không giúp đỡ gì cho cha mẹ thì chớ, còn thêm mối nợ cho gia đình.
Biết vậy, sao bố mẹ vẫn để con đi thi?
Vì nếu không cho đi thì con lại bảo bố mẹ quê mùa, không hiểu gì về thời đại, không hiểu cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra ở mức toàn cầu.
Nếu không cho con đi, biết bao giờ con mới gửi hình về, mặc comple, đeo cà vạt, xách cặp da đứng cạnh xe hơi hoặc đứng trước cao ốc, để bố mẹ treo hình đó lên tường, nở mày nở mặt với bà con?
Tuy những thứ ấy rất phù du, nhưng cứ như ma túy, khiến bao nhiêu gia đình nghiện ngập.
Bố đã âm thầm quan sát, thấy mọi gia đình cho con học ở thành phố trong xóm ta đều hy vọng theo kiểu đó, nhưng chưa thấy ai toại nguyện. Chỉ thấy mỗi lần lên thành thị thăm con lại mang theo gà qué, cá khô, đậu xanh, đậu đỏ, rồi sau đó con cái học xong, về quê cũng bưng đi gà qué, cá khô, đậu đỏ, đậu xanh, chả có khác gì.
Cứ nghĩ con cũng sẽ như thế mà cả bố đến mẹ đều toát mồ hôi.
Đã vậy, thành tích học hành của con bao nhiêu năm qua chưa bao giờ xuất sắc, tuy có năm được xếp loại giỏi, nhưng lớp 50 đứa thì 49 đứa loại này, thì còn mơ mộng gì nữa.
Do đó, việc con thi trượt là điều bố đã đoán trước, và đã thầm mong ước từ lâu. Nếu chẳng may run rủi, con đậu thì đời con sẽ mất đi mấy năm oặt ẹo, mà khổ nỗi, theo bố biết, dù học oặt ẹo cũng tốt nghiệp, sau đó con lại bổ sung vào hàng ngũ những đứa thất nghiệp trong xóm mình.
Trong số đó, có những đứa còn không biết điều, chả tìm được việc làm thế là bày đặt học lên thạc sĩ, cha mẹ lại thêm vài năm đóng học phí đến gãy cổ.
Cho nên việc con thi rớt theo bố là đúng thực chất, đúng hoàn cảnh, hợp với lòng người và hợp với lòng trời.
Sự thi rớt này sẽ khiến con hiểu được năng lực thực sự của mình, sẽ cho con thái độ yên tâm về quê, hòa mình với thiên nhiên, với cây cỏ, với những việc hợp với sức con.
Chả có gì phải lo lắng, chả có chi phải buồn phiền, con hãy nhìn trong làng ta có mấy ai giàu có mà tốt nghiệp đại học đâu. Con hãy về đây, hãy cất tiếng hát vang trên cánh đồng hoặc trên ao cá, chiều chiều ngồi cho gió thổi qua mặt, chớ chui vào trong mấy căn nhà, mở máy lạnh làm chi!
Về mau lên nhé!
Bố của con
Lê Tèo
Lê Hoàng
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 1: Rớt đại học? Đó chỉ là một con đường
>> Tôi cũng trượt đại học
>> Tạo điểm tựa khi con trượt đại học
>> Tôi trượt đại học - Kỳ cuối: Năng lực có hơn bằng cấp ?
Bình luận (0)