Quanh nhà hát Bataclan những ngày này tràn ngập hoa, nến và những lời tâm tình của khách thập phương.
Những nạn nhân thiệt mạng ở Bataclan hầu hết đều còn rất trẻ - Ảnh: Lan Chi |
Cách đây đúng một tuần, buổi hòa nhạc hừng hực sức trẻ ở Bataclan đã trở thành cơn ác mộng. Ác mộng giữa đời thực. Tòa nhà đầy màu sắc tươi tắn của nhà hát chỉ trong phút chốc đã hóa địa ngục.
Bọn tấn công rất biết gieo rắc nỗi kinh hoàng khi đêm tối luôn khiến người ta mất phương hướng hơn, hoảng loạn hơn. Bọn chúng đã chọn lúc khán phòng tắt đèn khi ban nhạc rock bắt đầu biểu diễn để xả súng, để nạn nhân chết trong kinh hoàng và để những người may mắn sống sót sẽ khó tìm lại giấc ngủ yên lành.
Nhưng Bataclan không đơn độc. Người Paris, người dân khắp các tỉnh thành của Pháp và rất nhiều người nước ngoài vẫn ngày ngày ghé qua, đặt một bó hoa, thắp một ngọn nến hay đơn giản là đọc những lời tâm tình được dán ở khu vực tưởng niệm đối diện nhà hát. “Hãy dùng tình thân ái để băng bó vết thương do hận thù gây ra”, một khách vô danh để lại dòng chữ được ghi nắn nót và còn cẩn thận nhét vào tấm bìa vì những ngày này Paris hay đổ mưa. Khu vực tưởng niệm chỉ toàn những sắc màu tươi tắn vì hầu hết các nạn nhân đều ở độ tuổi mơn mởn nhất của cuộc đời. Aurélie, Gilou, Mathieu, Elsa, Cécile, Louis đều ở đó và cười rất tươi trong các tấm ảnh. Bạn bè, thân nhân, “một người cha đang khóc” đã đến, đã tỉ mỉ đặt lại tấm hình, một cây đàn, vài con gấu bông.
Tôi gặp Béatrice ở khu vực tưởng niệm khi bác đang thắp nến bỏ vào cây đèn nhỏ. Giỏ đồ của bác được cô Irène cầm giúp. Nhìn từ xa, tôi nghĩ hai người là bạn nhưng hỏi ra mới biết cô Irène là người Pháp, sống ở Canada, còn bác Béatrice vốn là dân Paris, hiện sống ở thành phố Stuttgart. Cả hai không quen biết nhau nhưng đứng cùng nhau cả buổi. Những ngày này, tại Paris rất dễ bắt gặp những người bạn mới quen như thế. Bác Béatrice kể: “Tôi không có người thân nào bị ảnh hưởng trong vụ tấn công nhưng không hiểu sao lại buồn khủng khiếp. Buồn suốt tuần qua. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho các nạn nhân và cho cả những kẻ đã gây ra chuyện này vì suy cho cùng họ cũng bị lợi dụng. Tôi thu xếp lấy tàu về Paris để thắp lên một ngọn đèn tưởng niệm”.
Đứng gần đó là nhóm của cô Adeline, nhân viên chuỗi cửa hàng Fnac. Cô đến từ thành phố Nice, miền nam Pháp, theo lịch là để dự một cuộc họp toàn công ty nhưng chương trình họp đã thay đổi để dành thời gian tưởng nhớ 2 đồng nghiệp vừa thiệt mạng ở Bataclan. Cô nói bằng giọng nghèn nghẹn: “Họ còn quá trẻ. Thật khó tưởng tượng được. Rất nhiều nhân viên của Fnac từ khắp nơi đã có mặt. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều về họ. Khi được chia sẻ, cảm thông, sự đau buồn cũng được giải tỏa phần nào”. Trời đổ mưa, dòng người vẫn tiến về Bataclan, lẫn vào hoa và nến là từng tệp lá vàng cuối thu. Paris tiễn biệt các nạn nhân.
Nhà hàng thành trạm cấp cứu
Tôi đến nhà hàng Le Petit Bal Perdu ở đường Oberkampf, cách Bataclan chỉ khoảng 20 m và gặp anh Pierre, nhân viên phục vụ. Anh và 4 đồng nghiệp làm ca tối vào ngày 13.11 nên đã “có thêm một ca làm việc không thể quên trong đời”. Pierre kể lại: “Khoảng 21 giờ 45, tôi bắt đầu nghe tiếng súng nổ ở ngay góc đường kế nhà hàng. Chúng tôi lập tức tắt hết đèn, đóng cửa và ai nấy cố tìm chỗ nấp. Một lúc sau, có viên cảnh sát xuất hiện, yêu cầu mọi người không rời khỏi nhà hàng. Nhưng hình như anh ta chỉ đang tuần tra và cũng bị bất ngờ nên chỉ mang những loại vũ khí rất đơn giản. Sau đó, tiếng súng lại vang lên dồn dập trong khoảng 15 phút, toàn bộ khu vực đã bị cảnh sát phong tỏa và lực lượng cứu hộ, y tế bắt đầu có mặt, sau đó là lực lượng đặc nhiệm. Họ vào quán, giúp sơ tán toàn bộ hành khách và lấy lời khai từ chúng tôi.
Cả 5 phục vụ của quán đều ở lại vì lực lượng cứu hộ bắt đầu đưa một số người bị thương vào. Nhà hàng đã trở thành một điểm sơ cấp cứu cho các nạn nhân, chúng tôi hỗ trợ những gì có thể, đôi khi chỉ là lời an ủi để giúp họ lấy lại tinh thần. Càng về khuya, càng có nhiều người ghé qua vì nhiều khán giả ở Bataclan dần được sơ tán. Nhiều người lắm, nhưng chỉ có cùng một bộ dạng: mặt trắng bệch, khóc trong hoảng loạn, tay run rẩy. Chúng tôi cũng không ngơi tay, dọn dẹp chỗ cho các nạn nhân, chỉ chỗ trong nhà hàng cho lực lượng cứu hộ. Một ca làm việc mà suốt đời tôi sẽ không quên”.
Tôi hỏi mọi người có thấy sợ khi mở cửa trong hoàn cảnh như thế, chị Léa, đồng nghiệp của anh Pierre trả lời: “Đương nhiên lúc đầu chúng tôi cũng sợ lắm chứ nhưng rồi thấy cảnh sát xuất hiện và thấy tình thế quá cấp bách nên bị cuốn vào luôn. Công việc thường nhật của chúng tôi là phục vụ, là đáp ứng yêu cầu cùng lúc của rất nhiều khách. Hoàn cảnh vào tối đó cũng gần như vậy, cùng lúc có cả cảnh sát, bác sĩ, nhân viên cứu hộ và rất đông khán giả của Bataclan... Chúng tôi giống như đội hậu cần cho tất cả”.
Tòa án Paris ngày 20.11 cho biết các chuyên gia pháp y đã xác định nhân thân của 3 người thiệt mạng trong cuộc bố ráp do đặc nhiệm Pháp tiến hành ở vùng ngoại ô Sainr Denis hôm 18.11. Ngoài Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị cho là chủ mưu vụ tấn công ngày 13.11, còn có một nghi can khác và Hasna Aït Boulahcen, nữ khủng bố đã kích hoạt áo chứa chất nổ để tự sát khi bị bao vây. Boulahcen, 26 tuổi, là em họ của Abbaoud và từng sống ở khu ngoại ô Aulnay-sous-Bois, đông bắc Paris.
|
Bình luận (0)