Thư của một đầu bếp trả lời bạn

14/09/2014 03:00 GMT+7

Cậu thân mến. Cám ơn cậu đã chúc mừng tớ nhân dịp được nhận chức bếp trưởng của khách sạn nổi tiếng. Trong sâu thẳm tâm hồn, tớ luôn coi ăn uống là một việc cao quý và tớ nguyện sẽ làm hết đời mình cho việc này.

Cậu thân mến.

Cám ơn cậu đã chúc mừng tớ nhân dịp được nhận chức bếp trưởng của khách sạn nổi tiếng. Trong sâu thẳm tâm hồn, tớ luôn coi ăn uống là một việc cao quý và tớ nguyện sẽ làm hết đời mình cho việc này.

Thư của một đầu bếp trả lời bạn
Minh họa: DAD

Để có được địa vị hôm nay, tớ đã phải bao đêm làm những việc nhỏ nhặt nhất của ẩm thực, từ nhổ rau, thái thịt cho tới bóc hành.

Nhưng tớ luôn luôn tự hào là mình đã có công sức đóng góp cho kho tàng ăn uống của nhân loại, có kiến thức và có kinh nghiệm về nó.

Tuy nhiên, vấn đề cậu hỏi về hai món "dự án" và "công trình" ngon như thế nào, nấu ở đâu và giá cả ra sao, tớ thấy cần phải trả lời nghiêm túc.

Chắc cậu cũng biết, món ăn của loài người chia làm hai: loại hữu hình và loại vô hình.

Hữu hình là miếng thịt heo quay, miếng thịt gà quay, là đĩa cá kho, là bát nước mắm, là tô canh chua hoặc nồi lẩu cá kèo...

Tóm lại, hữu hình là các món ta ăn hằng ngày, có dọn lên bàn và có đũa bát đĩa, thậm chí có cả khăn lau mồm.

Còn vô hình là sao?

Ví dụ như xem một bộ phim hay, ta thấy ngon về tâm hồn, nhìn một màn múa đẹp, ta thấy no nê về thẩm mỹ, nghe một bài hát tuyệt vời, ta thấy ngon trong trái tim.

Những thứ đấy, tuy không dọn ra đĩa, vẫn gọi là món ăn tinh thần vì để chế tạo được chúng, cũng phải học hành rất cẩn thận, cũng phải biết xào nấu, thêm gia vị, thêm mắm muối.

Và cả món ăn bình thường lẫn món ăn tinh thần đều giống nhau ở chỗ có khả năng gây ngộ độc!

Nhưng hai món "công trình" và "dự án" thì sao?

Thú thực là một đầu bếp lâu năm như tớ cũng chả biết xếp chúng vào loại nào cả.

Chúng không phải vật chất vì không thấy bày lên đĩa, chúng cũng không phải tinh thần vì không thấy ai biểu diễn.

Đã vậy, trong khi món ăn vật chất có thịt heo lậu, món ăn tinh thần có băng đĩa lậu thì rất ít khi có "dự án" hay "công trình" lậu.

Nhưng hai món ấy vẫn tồn tại, bằng chứng là thiên hạ vẫn thì thầm hằng ngày.

Đúng như cậu nói, cách ăn hai món ấy cũng rất đặc biệt. Thường người ta chỉ cần ăn từ 20 đến 30% là đã quá no. Kẻ nào cần lắm mới ăn hơn.

Sau đấy, món đó có thể ăn mà không nhai, ăn mà không cần răng, thậm chí ngồi từ xa cả trăm cây số cũng ăn được mới thần kỳ.

Tuy nhiên làm thế nào để ăn và những ai được ăn thì hoàn toàn bí mật. Những món đó có mùi vị ra sao, chế tạo bằng thịt con gì và nấu nướng ở đâu là điều đầu bếp như tớ không bao giờ khám phá nổi.

Song tớ lại biết một vài chi tiết đáng lưu tâm. Chẳng hạn ăn thịt ăn cá nhiều có thể đi bệnh viện, còn ăn "dự án", "công trình" quá độ có thể ra tòa.

Đấy là điều khác nhau cơ bản.

Khi ăn các món bình thường ta cứ làm việc hoặc nằm nghỉ, chỉ vài giờ sau là chúng tiêu hóa hết. Nhưng hai món kia rất lạ. Nhiều lúc ăn từ kiếp nào rồi, mấy năm sau mới đau bụng và kỳ lạ nữa, có khi chúng nó ăn mình không ăn, mình chỉ ngồi nhìn mà mình cũng chết như thường.

Cho nên nếu cậu chưa từng nếm thử hai món này, cũng đừng quá sốt ruột, cứ bình tĩnh mà xơi rau muống luộc và thịt ba chỉ cho lành.

Cậu thân mến.

Nhiều người cứ chắc mẩm biển học vô bờ mà không biết biển ăn cũng vô bờ không kém!

Sẽ có những món ta phải ăn, sẽ có những món chúng ta phấn đấu để ăn, và có những món chúng ta nghe đồn nhưng đừng có mơ ăn, nếu ta không xứng đáng hoặc không có gan.

Mong cậu hiểu.

Bạn cậu

Lê Tý

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.