Thủ đô Ấn Độ ghi nhận kỷ lục nhiệt độ 49,9 độ C

29/05/2024 11:59 GMT+7

Nhiệt độ tại thủ đô Delhi của Ấn Độ đã lên đến mức 49,9 độ C hôm 28.5, cao nhất từ trước đến nay.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) ngày 29.5 cho biết kỷ lục nhiệt độ nói trên được ghi nhận tại các trạm quan trắc ở Narela và Mungeshpur, ngoại ô Delhi, trong ngày 28.5, theo AFP. IMD dự báo nhiệt độ tại Delhi trong ngày 29.5 cũng sẽ ở mức tương tự.

Kỷ lục nhiệt độ trước đó tại Delhi là 49,2 độ C, được thiết lập vào tháng 5.2022.

Tại Safdarjung, đài quan sát cơ sở của thành phố, nhiệt độ cao nhất đo được hôm 28.5 là 45,8 độ C, cao hơn 5 độ so với bình thường và cao nhất từ đầu năm đến nay.

Thủ đô Ấn Độ ghi nhận kỷ lục nhiệt độ 49,9 độ C- Ảnh 1.

Một người đàn ông trên đường phố Delhi hôm 28.5

REUTERS

IMD ban hành cảnh báo màu đỏ về nắng nóng cho ngày 29.5 và cảnh báo màu cam về nắng nóng cho ngày 30.5, khi nhiệt độ có thể giảm nhẹ. Trong hai ngày tiếp theo, thủ đô Ấn Độ có thể có mưa nhỏ.

Ấn Độ không còn xa lạ với nắng nóng oi bức trong mùa hè. Song nghiên cứu khoa học trong nhiều năm qua đã cho thấy rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, diễn ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

Chính quyền thành phố New Delhi (nằm trong Delhi) cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu nước khi thành phố đang phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt và phải cắt giảm nguồn cung nước cho một số khu vực.

Báo Times of India hôm nay 29.5 đưa tin bà Atishi Marlena, quan chức phụ trách tài nguyên nước của Delhi, đã kêu gọi "trách nhiệm tập thể" nhằm ngăn chặn việc sử dụng nước lãng phí.

"Để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, chúng tôi đã thực hiện một loạt biện pháp như giảm tần suất cung cấp nước từ hai lần một ngày xuống còn một lần một ngày ở nhiều khu vực", bà cho biết.

"Nước tiết kiệm được sẽ được phân bổ và cung cấp cho các khu vực thiếu nước, nơi nguồn cung chỉ kéo dài 15 đến 20 phút mỗi ngày", theo vị quan chức.

Nhiệt độ cực cao, khắp châu Á ở đâu cũng 'đuối'

IMD cảnh báo về tác động của nắng nóng đối với sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, người già và những người mắc bệnh mãn tính.

Cùng lúc, bang Tây Bengal ở phía đông và bang Mizoram ở phía đông bắc Ấn Độ đã phải hứng chịu gió mạnh và mưa lớn do bão Remal tấn công Ấn Độ và Bangladesh hôm 26.5, khiến hơn 38 người thiệt mạng.

Cục Khí tượng Bangladesh cho biết cơn bão nói trên là "một trong những cơn bão diễn ra lâu nhất trong lịch sử nước này", nói biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến thay đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.