Quần đảo Marshall là một quốc gia Thái Bình Dương xinh đẹp với hàng trăm đảo nhỏ với những bờ cát trắng, làn nước trong xanh và những hàng cây cọ dừa xanh mát. Tuy nhiên, nơi đây lại ẩn chứa những tàn tích nguy hiểm sót lại từ thời chiến tranh, đó là bom mìn chưa nổ.
Những quả bom "ngủ quên"
Tám thập niên từ khi Thế chiến 2 qua đi, những quả bom đạn cũ do quân đội Mỹ và Nhật Bản rải xuống vẫn nằm rải rác trên những bãi biển, khu rừng ở Quần đảo Marshall và là mối nguy hiểm chết người tiềm ẩn đối với người dân địa phương.
Theo tờ The Guardian, Mỹ và các nước khác ven Thái Bình Dương đã chi hàng triệu USD để rà tìm và phá hủy những quả bom bị chôn vùi chưa phát nổ. Một số ước tính cho rằng số lượng bom đạn còn sót lại trên khắp khu vực, gồm ở Fiji, Palau và Quần đảo Solomon, có thể lên đến hàng trăm ngàn quả. Nếu ngòi nổ vẫn còn nguyên, những quả bom này vẫn có thể phát nổ nếu bị động đến.
"Thỉnh thoảng, người ta vẫn tìm thấy những quả đạn nổ này trên mặt đất. Chúng tôi muốn toàn bộ số bom này được dọn sạch khỏi đất đai của mình để chúng tôi có thể sống cuộc sống mình muốn", ông Rithen Lajar, thị trưởng đảo san hô Wotje của Quần đảo Marshall nói. Vị quan chức cho rằng Mỹ và Nhật Bản cần hành động nhiều hơn nữa để nông dân địa phương có thể an tâm trồng trọt, xây dựng cơ sở mới cho cộng đồng và tạo ra môi trường an ninh hơn.
Trải qua nhiều thế hệ, người dân Wotje đã hình thành sự cảnh giác khi trồng trọt hay đi trong rừng bởi họ biết những quả bom "ngủ quên" dưới cát hoặc lẫn trong lá khô có thể thức giấc bất kỳ lúc nào. Từng là căn cứ thủy phi cơ của Nhật trong thời chiến, Wotje hiện vẫn còn tàn tích của những boongke bê tông và những công trình quân sự đổ nát bám đầy rễ cây.
Theo nhà nghiên cứu Ruth Abbott của Đại học Bắc Michigan (Mỹ), người phân tích những cuộc khảo sát việc ném bom của Mỹ từ năm 1945, Mỹ đã thả 12.918 tấn bom đạn lên 4 đảo san hô vòng của Quần đảo Marshall trong Thế chiến 2. Sau nhiều năm, một phần số bom đó đã lộ thiên và cũng có những vật khả nghi đã được định vị. Tuy nhiên, việc di dời đặt ra mối đe dọa chết người.
Công việc vô hạn
Năm 2023, Bộ Ngoại giao Mỹ khởi động dự án 1,7 triệu USD với tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Nhân đạo Golden West để loại bỏ những quả bom chưa phát nổ trên 4 đảo mà chính quyền địa phương ưu tiên. Golden West (trụ sở tại bang California, Mỹ) đã thuê những cựu binh có chuyên môn trong việc rà phá bom mìn, huấn luyện và ứng dụng công nghệ rà phá.
Ông Adan Morones, quản lý dự án tại Quần đảo Marshall của Golden West, là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ từng tham chiến tại Iraq và Afghanistan, cho biết công đoạn khó khăn là đưa các phương tiện, máy móc cần thiết ra đảo xa bờ. Khi ra đến đảo, họ được dân địa phương hướng dẫn đến địa điểm có bom mìn. Nếu quả bom cần được phá hủy, nhóm sẽ chọn nơi an toàn và đưa đến đó kích nổ.
Nguy cơ vô tình đụng phải bom đạn chưa nổ đặc biệt cao cho người dân đảo trong quá trình chế biến quả dừa khô, khi họ phải đào xuống đất để làm bếp nấu. Tại nhiều nhà thờ ở các đảo thuộc Quần đảo Marshall, người dân thường xuyên được hướng dẫn cách nhận biết và tránh giẫm phải bom mìn. Cảnh sát địa phương cũng được đào tạo cách ghi nhận và lưu trữ thông tin về những khu vực nghi có bom bằng định vị vệ tinh GPS. Dù vậy, việc huấn luyện không tiếp cận được hết các cộng đồng gặp nguy cơ liên quan bom mìn thời chiến.
Đến nay, chưa có thống kê chính thức về số người thiệt mạng và bị thương do bom mìn nhưng những vụ tai nạn vẫn thường được ghi nhận. Năm 2016, một phụ nữ trên đảo Mili thiệt mạng do đào trúng quả bom trong lúc đào hố để nấu ăn.
Ông Allan Vosburgh, Chủ tịch Golden West, ước tính có thể vẫn còn hàng trăm ngàn quả bom đạn chưa nổ trên khắp Thái Bình Dương. Năm ngoái, nhóm của ông vô hiệu hóa 43 quả bom, đạn trên đảo Maloelap. Tháng sau, họ sẽ làm việc tại đảo Wotje và sau đó là đảo Jaluit vào năm 2025, đảo Mili vào năm 2026. Trong giai đoạn 2020-2023, Mỹ hỗ trợ 8,1 triệu USD để rà phá bom mìn tại Quần đảo Marshall, Fiji, Palau và Quần đảo Solomon.
"Tôi làm việc này đã hơn 50 năm và tôi chưa bao giờ hết việc để làm. Tôi năm nay 76 tuổi nhưng tôi thấy công việc này sẽ còn dài hơn tuổi thọ của mình. Nhưng tôi tin chúng ta có thể tạo nhiều khác biệt tại Thái Bình Dương bởi tại nơi họ không còn nổ súng nữa, mỗi viên đạn mà bạn dọn đi là bớt đi một nguy cơ mà bạn phải đối mặt", ông Vosburgh nói.
Bình luận (0)