Thủ Đức sẽ là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt?

15/01/2023 14:51 GMT+7

Với dân số lớn nhất (hơn 1,2 triệu người) và quy mô kinh tế, số thu ngân sách dẫn đầu, lãnh đạo TP.HCM cho rằng cần nghiên cứu cơ chế, thẩm quyền của TP.Thủ Đức như là một đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

“Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, không những định hướng phát triển cho TP.HCM mà còn cho cả TP.Thủ Đức trong tương lai và là cơ sở chính trị rất quan trọng để xây dựng hoàn thiện nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội”, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức nói tại sự kiện kỷ niệm 2 năm thành lập TP.Thủ Đức diễn ra tối 14.1.

Hạt nhân thúc đẩy kinh tế xã hội TP.HCM

Kỳ vọng của chính quyền TP.Thủ Đức vào Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là rất lớn, bởi sau 2 năm thành lập, thẩm quyền của “thành phố trong thành phố” đầu tiên cả nước chỉ tương đương cấp huyện. Sau sáp nhập 3 quận: Thủ Đức, 2 và 9, TP.Thủ Đức rộng hơn 21.000 ha, dân số 1,2 triệu người (cao nhất TP.HCM, tương đương TP.Đà Nẵng).

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định phát triển Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Bộ Chính trị thống nhất cho phép HĐND TP.HCM giao một số nhiệm vụ thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP.Thủ Đức và Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức trong phạm vi địa bàn, và quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc TP.Thủ Đức.

Ông Tùng cho hay TP.Thủ Đức đang khẩn trương phối hợp các sở ngành để tham mưu các cơ chế, chính sách đột phá để UBND TP.HCM trình Quốc hội phê duyệt trong tháng 5.2023.

Bộ Chính trị xác định phát triển Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM

ĐỘC LẬP

Sau khi thành lập, tổng thu ngân sách nhà nước của TP.Thủ Đức năm 2021 đạt gần 10.700 tỉ đồng và năm 2022 gần 20.100 tỉ đồng, giải ngân vốn đầu tư công mỗi năm đều trên 93%.

Địa phương này cũng đã nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức và được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, đang hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định.

Một số điểm sáng khác như cấp giấy phép xây dựng trực tuyến, ứng dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính, khởi công 3 dự án nhà ở xã hội quy mô gần 3.000 căn, trồng gần 750.000 cây xanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, đảm bảo an sinh xã hội từ nguồn lực xã hội hóa…

Tăng thẩm quyền cho TP.Thủ Đức

Vấn đề thẩm quyền của TP.Thủ Đức được giới chuyên gia pháp lý và nhà quản lý bàn luận khá nhiều, không ít ý kiến cho rằng nên mạnh dạn cho Thủ Đức thẩm quyền tương đương cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng có thể chọn TP.Thủ Đức để thí điểm mô hình chính quyền đô thị mới, theo hướng “sandbox thể chế” về chính quyền đô thị chứ không chỉ là thí điểm một vài chính sách nhỏ lẻ.

Việc tăng thẩm quyền cho TP.Thủ Đức đứng trước bài toán tính thống nhất của pháp luật áp dụng chung cho cả nước với đòi hỏi thực tiễn, mà nếu giữ nguyên như hiện nay thì địa phương này khó phát triển như kỳ vọng, thậm chí đối diện nguy cơ thụt lùi do bộ máy, nhân sự phải cắt giảm còn khối lượng công việc, hồ sơ thì tăng lên.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ủy quyền cho TP.Thủ Đức quyết định nhiều lĩnh vực mà các quận, huyện không có

SỸ ĐÔNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói rằng TP.Thủ Đức từ 3 quận nhập lại nhưng vẫn đang vận hành theo cơ chế cấp huyện.

“Thẩm quyền như một tỉnh thì không được nhưng với quy mô dân số, kinh tế như thế thì có thể nghiên cứu theo hướng một đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”, ông Mãi gợi mở Sở Nội vụ hướng tiếp cận nhằm tìm cơ chế, thẩm quyền phù hợp cho Thủ Đức.

Hồi tháng 10.2022, Chủ tịch Phan Văn Mãi ủy quyền cho TP.Thủ Đức quyết định nhiều lĩnh vực mà các quận, huyện không có.

Đơn cử như TP.Thủ Đức được tiến hành các thủ tục trong toàn bộ công tác thu hồi đất; phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500; quản lý và tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; mua sắm tập trung tài sản công; trực tiếp quản lý chợ loại 1, đấu thầu chọn doanh nghiệp khai thác chợ theo chủ trương xã hội hoá…

4 cơ chế đột phá

Trong tờ trình gửi Chính phủ về các nội dung thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, UBND TP.HCM kiến nghị 4 nội dung dành riêng cho TP.Thủ Đức để tạo cú hích về cơ chế và nguồn lực.

- Cho phép phân cấp cho chính quyền TP.Thủ Đức một số lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc chức năng của HĐND và UBND TP.HCM

- Chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở, ngành cho UBND TP.Thủ Đức

- Quy định chế độ phụ cấp chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo của TP.Thủ Đức cao hơn thành phố thuộc tỉnh nhưng thấp hơn cấp tỉnh

- Ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP.Thủ Đức để chi đầu tư phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.