Thư gửi Báo Thanh Niên của cô sinh viên nghèo 'chạm vào ước mơ'

Một cô sinh viên cứng cỏi, từng làm tất cả những việc đến đàn ông cũng phải...ngán, để cáng đáng gia đình. Cô sinh viên ấy đã được Báo Thanh Niên hỗ trợ hơn 2 năm và nay muốn gửi những lời cảm ơn chân tình.

LTS: Trần Thị Loan (23 tuổi, trú xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong, Quảng Trị), từng là 1 cô sinh viên nghèo, cáng đáng cả gia đình, là nhân vật thứ 9 của chương trình “Chạm vào ước mơ” mà Báo Thanh Niên tổ chức, nay là Trưởng phòng sản xuất của Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Trị (QTO). Nhân dịp 35 năm ngày Báo Thanh Niên ra số đầu tiên, Loan đã viết một lá thư xúc động. Thanh Niên trích đăng:

Loan của những tháng ngày vất vả, làm tất cả mọi việc miễn có tiền nuôi em, cáng đáng gia đình.

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

“21 tuổi, sống trong một gia đình 3 thế hê tại vùng quê miền cát trắng nghèo của Quảng Trị, Em đang gồng mình vươn lên trong những ngọn bão táp đầu đời…
Em sinh ra trong gia đình đông con, chị gái của 4 em nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn. Tuổi thơ em là những ngày ba mẹ dậy sớm đi biển, là ánh mắt nụ cười của ba mẹ khi câu được nhiều tôm cá, là những lần giấu các con thở dài khi thời tiết trở mùa khi đến hạn đóng tiền học của các con mà trong nhà không còn 1 đồng. Là những lần ba mẹ ngồi bên mâm cơm cứ mãi “cổ động” các con “Ăn đi con, ăn có sức mà học”. Chúng em đâu biết rằng ba mẹ có khi ăn củ khoai, củ sắn để dành phần cơm trắng cho các con. Thương lắm những giọt mồ hôi rơi trên đôi vai trần đầy gió sương của ba, thương lắm khi tóc mẹ điểm bạc, đôi mắt hằn thêm vết chân chim.

Năm 2018, ê kip của chương trình "Chạm vào ước mơ" của Báo Thanh Niên đến giúp đỡ gia đình Loan vượt qua khó khăn khi tặng rất nhiều món quà bằng vật chất lẫn tinh thần.

ẢNH: THANH LỘC

Bữa ăn đắp đổi qua ngày, bữa cơm bữa cháo nhưng rồi các em khôn lớn, lúc ấy em là chị cả đã vào Đại học, các em nhỏ lại đến trường. Chỉ có gánh nặng của ba mẹ như nặng thêm khi trang trải sinh hoạt cho gia đình. Rồi sự cố môi trường biển xảy ra đã đe dọa con đường mưu sinh của ngư dân, ba mẹ em lại phải tìm kiếm công việc khác để lo cuộc sống gia đình. Em hình dung được điều này đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của gia đình em.Những ngày ấy, sự lo âu hiện lên rõ nét trên khuôn mặt của ba mẹ. Em càng thôi thúc bản thân phải cố gắng hơn và nhanh lên để giúp đỡ gia đình.

Gia đình Loan bây giờ đã ổn hơn rất nhiều so với thời điểm trước kia...

ẢNH: THANH LỘC

Nhưng cố gắng chạy thật nhanh thật nhanh để đến gần ba mẹ hơn, thì ba lại không cho em đến gần nữa. Con vẫn chưa báo cho ba biết năm đó con là sinh viên xuất sắc ba à! Chỉ còn 1 năm nữa thôi, con gái ba sẽ mặc chiếc áo cử nhân và ba sẽ đến dự lễ tốt nghiệp của con gái trong bộ áo quần mới tinh. Rồi ba tự hào khoe với bà con, con gái ba đã hoàn thành Đại học. Ba ơi! con đứng tim khi nghe mẹ báo ba đổ bệnh. Căn bệnh tai biến quái ác cướp ba đi trong giây lát khi ở tuổi 46, con chỉ kịp thấy dòng lệ ba rơi mà không thể nói được lời nào.
Không có ba, em cần mạnh mẽ, bình tĩnh hơn. Lúc đó, em đã nuốt nổi đau này thay ba làm trụ cột của gia đình. Em vừa học vừa làm, những dịp hè, làm khóa luận tốt nghiệp em cũng tranh thủ gần nhà phụ mẹ để mẹ đi làm thuê xa. Thu nhập hạn chế làm cho cuộc sống trở nên khó khăn muôn phần. Nhưng không vì vậy mà em từ bỏ. Đó là động lực cho em vươn lên.

Loan bây giờ thường xuyên đại diện cho Công ty đi dự nhiều sự kiện quan trọng.

ẢNH: THANH LỘC

Sau khi câu chuyện của gia đình em được Báo Thanh Niên biết đến, đã chắp cánh cho chúng em bay xa hơn. Được sự kết nối của anh Phúc, anh Trung, chị Phượng (Báo Thanh Niên)… với các tổ chức, các mạnh thường quân trong và ngoài nước đã giúp chúng em về vật chất và tinh thần để chúng em tự tin vào cuộc sống này. Những đứa em của em vẫn tiếp tục cắp sách đến trường. Còn em tiếp tục hoàn thành chương trình Đại học và có công việc sau khi ra trường. Gần 3 năm được Báo Thanh Niên tiếp sức mạnh cho chúng em, gia đình em đã đỡ phần nào khó khăn, em có công việc ổn định sau ra trường để phụ giúp mẹ và trang trải cuộc sống. Mẹ em cũng về nhà buôn bán gần nhà, không phải chật vật đi xa con cái để làm thuê. Bản thân em được làm trong công ty luôn nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cấp trên. Với tính cách hòa đồng, làm đúng chuyên ngành của mình tạo cơ hội cho em được giao lưu, học hỏi, lĩnh hội các kiến thức bổ ích và tạo nhiều mối quan hệ tốt trong xã hội.

Trần Thị Loan giới thiệu cho du khách nước ngoài về sản phậm gạo hữu cơ Quảng Trị.

ẢNH: THANH LỘC

Gần 4 năm từ ngày xa ba cuộc sống vô vàn khó khăn, nhưng được kết nối với Báo Thanh Niên là điều may mắn và nguồn động viên quý giá nhất giúp gia đình em vượt qua tất cả mặc cả trong cuộc sống này. Em luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn, phải vượt qua mọi chuyện để những người trong gia đình này, những người đã giúp đỡ mình, trong đó có các anh chị Báo Thanh Niên, tự hào về mình…
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập tờ báo đã “cưu mang” gia đình mình, em xin chúc những người làm Báo Thanh Niên luôn khỏe mạnh, Báo Thanh Niên tiếp tục đạt nhiều thành công, giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong xã hội…
 
Tặng giải thưởng báo chí cho nhân vật đáng tự hào!

PV Thanh Niên tặng giải thưởng báo chí cho nhân vật Trần Thị Loan.

ẢNH: THANH LỘC

Trong hơn 10 năm làm báo, tôi đã gặp, phỏng vấn và viết rất nhiều câu chuyện về phận đời, phận người, nhưng cô gái Trần Thị Loan luôn là 1 trong những nhân vật làm tôi tự hào nhất. Loan xứng đáng được giúp đỡ và cách Loan ứng xử với sự giúp đỡ đó làm người đi giúp đỡ là chúng tôi, thậm chí phải… tự hào. Bởi chỉ một năm sau khi ...chạm vào ước mơ, nay Loan đã ra trường với tấm bằng đỏ, có xe cộ, có công việc đàng hoàng tại Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị, gặp lại em những người làm báo như chúng tôi không có gì hạnh phúc hơn.
Tác phẩm "Chạm vào ước mơ" về cô gái Loan do ê kip Báo Thanh Niên thực hiện tại Quảng Trị đã được vinh danh với giải B giải báo chí tại địa phương vào năm 2019. Được sự đồng ý của anh em trong ekip, tôi chỉ giữ lại giấy khen còn giá trị hiện kim hơn 4 triệu đồng, tôi xin dành tặng em, cô gái Trần Thị Loan, nhân vật của tôi, cô gái rắn rỏi, nghị lực mà tôi nghĩ nhiều người cần phải gặp cô trước khi... tuyệt vọng hay cho rằng mình thiệt thòi trong đời sống.
Nguyễn Phúc (PV thường trú Báo Thanh Niên tại Quảng Trị)
 
Cảm ơn Báo Thanh Niên đã giới thiệu 1 người đồng hành không thể tuyệt vời hơn!

Bà Phạm Thị Diễm Lệ cùng "người đồng hành" Trần Thị Loan

ẢNH: THANH LỘC

Tôi thực sự cảm ơn Báo Thanh Niên, đặc biệt là nhà báo Nguyễn Phúc của quý báo. Bởi nhờ Báo Thanh Niên mà hôm nay Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTO) có một cán bộ lãnh đạo chủ lực, đầy thông minh và nhiệt huyết.Trong hành trình toả sáng của gạo hữu cơ Quảng Trị có sự đóng góp rất lớn của kỹ sư Trần Thị Loan, nhân vật của chương trình Chạm vào ước mơ số 9 của Báo Thanh Niên.
Nói thật lòng, khi được nhà báo Nguyễn Phúc giới thiệu về Loan, tôi chỉ nghĩ mình nhận em Loan như một việc nghĩa để giúp đỡ em vượt qua khó khăn vì thấy đây là một cô bé giàu nghị lực, hiếu thảo, xứng đáng nhận được hỗ trợ từ cộng đồng. Nhưng đến hôm nay thì tôi thấy mình quá may mắn vì có được Loan trong đội ngũ của mình. Em ấy bây giờ đã là Trưởng phòng sản xuất của Công ty, lại đang là người giúp đỡ, hỗ trợ đắc lực cho tôi trong việc điều hành sản xuất của Công ty và càng ngày thể hiện là một cán bộ lãnh đạo thông minh, quyết đoán và tận tuỵ với công việc. Khi làm việc với nông dân Loan gần gũi, đồng hành hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng các phương pháp canh tác mới để tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao cho quê hương. Mọi người biết câu chuyện của Loan thường nói “Chương trình Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên” đã làm thay đổi cuộc sống của Loan, tôi cảm nhận được Loan đang trả ơn Báo Thanh Niên, trả ơn đời bằng việc sống tích cực, dùng tài năng và nhiệt huyết tuổi trẻ của mình để cống hiến cho nền nông nghiệp của quê hương.
Bà Phạm Thị Diễm Lệ (Giám đốc Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.