'Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang trở thành nỗi sợ hãi của người nông dân'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/03/2023 19:19 GMT+7

Ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng cụm từ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang trở thành "nỗi sợ hãi" của người nông dân do giá đền bù thấp, việc tái định cư quá khó khăn.

Chiều 7.3, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ TN-MT tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Vấn đề thu hồi đất được các đại biểu rất quan tâm.

'Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang trở thành nỗi sợ hãi của người nông dân' - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

NGỌC THẮNG

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, một trong các nội dung cơ quan soạn thảo luật muốn nghe ý kiến là vấn đề chuyển dịch đất đai, hay nói cách khác là thu hồi, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, đền bù đất đai.

"Nếu việc chuyển dịch đất đai không đem lại lợi ích cho tất cả mọi người thì chuyển dịch đó không công bằng", ông Hà nói, và bày tỏ mong muốn các đại biểu góp ý các chính sách chuyển dịch đất đai liên quan thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, các chính sách xã hội đi kèm trong dự thảo luật "đã được chưa".

Tránh lạm dụng để thâu tóm đất đai vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm

Góp ý, ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay (thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam), đề nghị làm rõ nội dung thu hồi đất đai để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tránh tình trạng chung chung, dễ bị lợi dụng.

'Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang trở thành nỗi sợ hãi của người nông dân' - Ảnh 2.

Ông Hoàng Trọng Thủy góp ý kiến tại hội nghị

NGỌC THẮNG

Ông Thủy dẫn giải, luật Đất đai năm 1987 không quy định về bồi thường, tái định cư, tới luật Đất đai năm 1993 bắt đầu có quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Từ luật Đất đai 2003 bắt đầu xuất hiện quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, và 10 năm sau, tới luật Đất đai 2013 thì mới có khái niệm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ông Thủy cho rằng, cụm từ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang trở thành "nỗi sợ hãi" của người nông dân, của chủ đất do giá đền bù thấp và quá trình tạo sinh kế, tái định cư quá khó khăn.

Những năm gần đây, chính sách thu hồi đất đã làm tốt hơn, song các dự án chỉnh trang đô thị, giải phóng mặt bằng lại tăng lên. "Vấn đề đất đai tiếp tục phát sinh mâu thuẫn vì lợi ích của người bị thu hồi đất thường thấp và nhỏ hơn chủ dự án và tập đoàn kinh tế", ông Thủy nói.

'Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang trở thành nỗi sợ hãi của người nông dân' - Ảnh 3.

Các đại biểu trao đổi bền lề hội nghị góp ý kiến sửa luật Đất đai

NGỌC THẮNG

Ông Thủy dẫn ví dụ nhiều nơi thu hồi đất cho dự án đô thị, nhà ở thương mại đều có quỹ đất cho việc xây trường học, nhưng các chủ đầu tư đều lợi dụng sử dụng diện tích này để kinh doanh trong nhiều năm dẫn đến người dân thiếu trường lớp cho con.

"Vừa rồi có chuyện phụ huynh phải bốc thăm để con được học mẫu giáo, đi lớp 1. Đó là một sự bất công bằng đối với người dân và thực sự trở thành nỗi đau với chủ đất", ông Thủy nói, và nhấn mạnh khái niệm về chỉnh trang đô thị cũng cần được làm rõ, tránh lạm dụng để thâu tóm đất đai vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

"Nông dân đề nghị Nhà nước cần hạn chế thu hồi đất nông nghiệp", ông Thủy nêu kiến nghị.

"Nhà đầu tư lợi đơn, lợi kép, người bị thu hồi đất thì thiệt đơn, thiệt kép"

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội, cũng nêu ý kiến đề nghị cần quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng thành 3 nhóm theo mục đích, gồm: xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; xây dựng các công trình có tính thương mại; và xây dựng công trình vừa phục vụ phúc lợi xã hội vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.

'Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang trở thành nỗi sợ hãi của người nông dân' - Ảnh 4.

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội, góp ý tại hội nghị

NGỌC THẮNG

"Hiện nay, xảy ra tình trạng Nhà nước thu hồi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm dự án mang tính thương mại, dịch vụ dẫn đến việc thu hồi giá thấp (theo quy định của Nhà nước) khi xây dựng hạ tầng cho thuê lại thì giá rất cao, gấp 5 - 7 lần với giá thu hồi. Như vậy làm lợi rất lớn cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội. Nhà đầu tư lợi đơn, lợi kép, người bị thu hồi đất thì thiệt đơn, thiệt kép", bà Hoa nêu.

Từ đó, đại diện Hội Nông dân TP.Hà Nội kiến nghị khi Nhà nước thu hồi đất cho các dự án mang tính thương mại, dịch vụ giao cho cá nhân, doanh nghiệp thì giá đất phải có thỏa thuận với người bị thu hồi đất.

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ 3.1 - 15.3. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần 2 đối với dự án luật này tại kỳ họp tháng 5 tới và thông qua tại kỳ họp tháng 10.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.