Theo thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 18.6, bà Trần Huyền Trang, 31 tuổi, con gái đương kim Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, đã bị thu hồi quyết định bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh này.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tiến hành kiểm tra và có kết luận liên quan đến việc bổ nhiệm bà Trang.
“Vĩnh Phúc đã kịp thời ban hành văn bản để rút lại các quyết định bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Theo thông tin chúng tôi được biết từ Sở Nội vụ Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 647 ngày 17.3.2021 về việc này và được Ủy ban Kiểm tra T.Ư đánh giá (là) kịp thời xử lý sai phạm”, ông Long nói. Sau khi Vĩnh Phúc rút lại quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Sở KH-ĐT đối với bà Trang, chưa rõ bà này được bố trí công tác nào.
Việc bổ nhiệm bà Trang gây ồn ào bởi sự thăng tiến quá nhanh chóng. Năm 2013, bà Trang mới làm chuyên viên của Thành đoàn TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), đến giữa năm 2016 thì chuyển sang làm chuyên viên Sở KH-ĐT tỉnh. Chỉ trong vòng hơn 4 năm công tác ở sở này (kể cả thời gian đi học 1 năm ở Singapore vào năm 2017), bà Trang đã được bổ nhiệm từ chuyên viên lên phó giám đốc sở.
Cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đã có kết luận cho rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tư Long cho biết ngày 11.6, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02, trong đó không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng cũng như thi nâng ngạch với đội ngũ công chức hành chính. Dù “chưa tính toán chi li” các lợi ích kinh tế, nhưng ông Long ước lượng, với chi phí từ 2,5 - 3 triệu đồng hoặc hơn/chứng chỉ, công chức hành chính của VN hiện có khoảng 300.000 người, trong đó khoảng 200.000 người sẽ phải đi hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ trong thời gian tới, thì có thể tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng, đó là chưa kể đến các chi phí xã hội khác.
Liên quan việc vì sao đến giờ mới chỉ có công chức hành chính được “cởi bỏ” yêu cầu chứng chỉ, ông Long lý giải do “quy định phân cấp trong luật và trong nghị định từ xưa đến nay, đội ngũ công chức hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ; đội ngũ công chức chuyên ngành khác và đặc biệt là đội ngũ viên chức thì thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ chuyên ngành”.
Bình luận (0)