Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Chưa một lần áp lực chuyện học tập

18/11/2022 10:10 GMT+7

'Đối với tôi, 4 năm đại học diễn ra khá suôn sẻ, chương trình học vừa sức, không gây quá nhiều khó khăn hay áp lực', thủ khoa đầu ra Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhìn lại hành trình học tập của mình.

Lê Khắc Minh Đăng, sinh viên khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, vừa xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong đợt xét tốt nghiệp tháng 11.2022, với GPA 9.46/10.

Hiểu bài ngay tại lớp để tận dụng thời gian

Lúc còn học lớp 12, cựu học sinh chuyên lý Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, vẫn chưa có định hướng cụ thể về ngành học, trường học. “Lúc đầu, gia đình muốn tôi theo ngành y nhưng tính mình lại không thích ngồi đọc nguyên cuốn sách dày. Sau đó, tôi được xét tuyển thẳng và chọn ngành khoa học và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM”, Minh Đăng chia sẻ.

Minh Đăng (thứ ba từ phải sang) cùng đồng đội nhận giải trong cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020

NVCC

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM được biết đến với chương trình đào tạo tương đối nặng nhưng theo đánh giá của Minh Đăng, mọi thứ đều khá vừa sức. Nam sinh viên cho hay điều này phụ thuộc vào phương pháp học tập của mỗi người để có thể biến khó khăn trở nên dễ dàng hơn.

“Có một nguyên tắc học quan trọng mà tôi thấy nhiều bạn thường bỏ qua đó là tập trung hiểu bài ngay tại lớp. Có nhiều môn tôi chỉ học ở trên lớp, về nhà làm đúng bao nhiêu bài tập được giao, không đọc thêm tài liệu gì nhưng điểm vẫn ổn. Tôi học chuyên ngành kỹ thuật máy tính nhưng theo mảng bảo mật (security). Nhờ cách học trên mà tôi có thêm nhiều thời gian để nghiên cứu chuyên sâu về bảo mật”, Minh Đăng nói.

Đều đặn trong hai năm đầu ĐH, Đăng dành cả ngày cuối tuần tham gia cuộc thi CTF (Capture the Flag) - sân chơi dành cho các hacker, các chuyên gia, sinh viên, học sinh quan tâm đến bảo mật. Theo Minh Đăng, các cuộc thi này cũng là cách học thực tế và hiệu quả dành cho các bạn mới bắt đầu.

Minh Đăng luôn mong muốn làm tốt mọi việc nhất có thể, đặc biệt là trong việc học. Cảm giác thích thú khi đạt điểm cao cũng là động lực để Đăng nỗ lực hoàn thành những mục tiêu học tập của riêng mình.

Đầu tháng 3 năm nay, Minh Đăng nhận được kết quả 8.0 IELTS chỉ với 3 tuần luyện đề ngắn ngủi.

Nam sinh viên xác định tiếng Anh chủ yếu để giao tiếp chứ không phải để đi thi nên tìm cách mang ngôn ngữ này gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật.

Đăng cho hay: “Tôi đọc báo, xem video, cài đặt các ứng dụng trên điện thoại đều bằng tiếng Anh. Kể cả trên lớp có mấy môn thầy cô giảng bằng tiếng Việt thì tôi ghi chép lại bằng tiếng Anh”.

Lê Khắc Minh Đăng (phải) nhận giấy chứng nhận sau khi tham gia chương trình huấn luyện tài năng an ninh mạng toàn cầu Global Cybersecurity Camp 2020 tại Nhật Bản

NVCC

Nhận được lời mời nghiên cứu nhờ… viết blog

Đam mê bảo mật, vào năm 2020, Minh Đăng đã tạo một blog cá nhân để ghi chú và lưu giữ những kiến thức bảo mật mà bản thân tìm tòi được. Anh không ngờ rằng blog lại mở ra cho mình cơ hội nghiên cứu tại một ĐH tư thục uy tín ở Mỹ.

Đăng nhớ lại: “Cơ duyên đến rất tình cờ. Lúc đó, tôi có viết chuỗi bài về Kernel Security (bảo mật hệ điều hành), sau đó chia sẻ lên Twitter. Một tuần sau, bài viết được mấy nghìn lượt xem. Một giáo sự ở Mỹ đã đọc bài rồi liên hệ với tôi. Sau một khoảng thời gian hai thầy trò trao đổi, thầy ngỏ lời với tôi về việc sang ĐH Northwestern để cùng team bảo mật của thầy nghiên cứu”.

Chớp lấy cơ hội, cuối tháng 8, Minh Đăng đã hoàn thành mọi thủ tục và sang Mỹ, bắt đầu chuyến hành trình mới. Hiện việc nghiên cứu của nam sinh viên vẫn đang tiến triển khá tốt. Sau khóa nghiên cứu này, Đăng dự định sẽ đăng ký theo học chương trình tiến sĩ.

Trước đó, anh đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp “Kiểm thử bảo mật phần cứng của RISC-V SoC bằng việc phân tích mã nguồn RTL” với số điểm 9.58. Đây là đề tài khá lạ đối với chuyên ngành của anh.

PGS-TS Phạm Quốc Cường, Trưởng bộ môn kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM-giảng viên hướng dẫn luận văn của Đăng, nhận xét: “Điểm đặc biệt của luận văn là thực hiện việc kiểm thử tính bảo mật của mã nguồn RTL của một bộ xử lý đã và đang được phát triển bởi một cộng đồng nghiên cứu rất lớn, bộ xử lý RISC-V". Đây là một trong những cách làm rất mới ở Việt Nam nhằm hướng tới việc bảo mật các hệ thống tính toán ở mức độ sâu hơn, theo thầy Cường.

Blog cá nhân của Lê Khắc Minh Đăng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

"Để thực hiện được luận văn này, sinh viên cần phải có kiến thức về bảo mật và cả kiến thức về thiết kế bộ xử lý, ngôn ngữ đặc tả phần cứng (HDL) và các kỹ năng của một kỹ sư kỹ thuật máy tính. Tổng thể luận văn của Đăng xuất sắc so với một luận văn tốt nghiệp đại học”, ông Cường chia sẻ

Trong quá trình làm luận văn, Đăng gần như tự tìm tòi, thiết kế, phát triển và thử nghiệm các cách tiếp cận vấn đề. Thầy Cường nhận định Đăng là một kỹ sư rất có tiềm năng trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính nói riêng và bảo mật các hệ thống tính toán nói chung.

Nam thủ khoa đầu ra còn muốn nhắn nhủ đến sinh viên khóa dưới: “Các bạn tạm thời gác lại những thắc mắc về việc sau này ra trường làm gì, lương bao nhiêu, thuận lợi hay khó khăn để tập trung học kỹ kiến thức những năm đầu tiên trước. Sau khi có nền tảng tương đối vững chắc thì các bạn sẽ tự trả lời được những câu hỏi trên, tìm ra mảng mà mình thực sự muốn theo đuổi”.

Trong 4 năm đại học, Minh Đăng nhận được Học bổng (HB) Khuyến khích học tập 8 kỳ, HB Vallet 2020, HB KSYS-CUBE 2020 và một số thành tích như Sinh viên 5 Tốt cấp Trung ương 2021; Giải nhì cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020; Giải nhì cuộc thi bảo mật ISITDTU CTF 2020; Giải nhất cuộc thi TetCTF 2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.