Thủ khoa thi lớp 10 TP.HCM đạt điểm 10 môn toán nhờ không thuộc lòng máy móc

Ngọc Long
Ngọc Long
19/06/2024 12:53 GMT+7

Với điểm tuyệt đối 2 môn thi, Nguyễn Minh Anh trở thành thủ khoa thi lớp 10 TP.HCM. Ngoài ra, em còn từng đạt giải cấp thành phố môn sinh học, Violympic toán cùng chứng chỉ B2 tiếng Anh.

Thủ khoa thi lớp 10 TP.HCM đạt điểm 10 môn toán nhờ không thuộc lòng máy móc- Ảnh 1.

Nguyễn Minh Anh, thủ khoa thi lớp 10 TP.HCM năm 2024

NVCC

Cách giành điểm tuyệt đối

Sáng 19.6, Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Trần Quang Khải (Q.Tân Phú), nhận kết quả thi lớp 10 khi đang du lịch cùng gia đình, một hoạt động em thường làm để giải tỏa căng thẳng. Nữ sinh cho biết "không bất ngờ" khi đạt điểm 10 môn toán, tiếng Anh và 8,75 môn văn, nhưng sốc khi biết mình đã trở thành thủ khoa thi lớp 10 TP.HCM năm 2024.

"Em đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) với ước mơ sẽ theo học ngành y để trở thành bác sĩ", Minh Anh hào hứng.

Khi được hỏi bí quyết giành điểm 10 môn toán, kết quả chỉ 49/98.400 thí sinh đạt được, Minh Anh nhận định em không thuộc lòng máy móc dạng đề, nhất là ở những câu toán thực tế vì "có rất nhiều dạng, thầy cô dù có cho ôn cũng khó lòng 'trúng tủ' được". Thay vào đó, nữ sinh luyện tư duy logic và khả năng phản xạ, song song đó là nắm vững kiến thức căn bản để từ "cái gốc" tìm được hướng giải phù hợp.

"Trên lớp, em chú ý nghe thầy cô giảng những phương pháp làm bài khác nhau. Sau đó, em về nhà tự nghiên cứu lại và làm thêm các bài tương tự dựa trên phương pháp đó. Em cũng vào nhà sách tìm mua các tài liệu tham khảo như sách toán, sách giải đề để nghiên cứu và ôn luyện thêm", Minh Anh chia sẻ.

Còn khi vào phòng thi, nữ sinh cho biết em đặt ra mốc thời gian cụ thể là giải hết tất cả các câu hỏi trừ câu c toán hình trong vòng 1 giờ. Tuy nhiên, vì năm nay câu c với Minh Anh "khá dễ", trong khi toán thực tế lại có nhiều bài khó nên nữ sinh chọn phân bổ lại thời gian, dành thêm 15 phút cho các câu toán thực tế. "Quan trọng là phải giữ bình tĩnh để ngồi suy luận bài toán", em cho hay.

Việc không thuộc lòng máy móc cũng được nữ sinh áp dụng tương tự ở môn văn. Minh Anh kể, với câu nghị luận văn học, em không học kỹ hay thậm chí thuộc lòng cách làm bài như các bạn đồng trang lứa, mà chỉ ôn sơ lược về tác giả và tác phẩm, "vì thông tin này nếu không thuộc sẽ không thể tự viết được". "Còn về phần cảm nhận, lập luận, em đều tự viết dựa vào suy nghĩ của chính mình", Minh Anh chia sẻ.

Còn ở câu nghị luận xã hội, khi đề yêu cầu phân tích về việc "nghĩ bằng con tim" thay vì nghĩ bằng khối óc như thông thường, Minh Anh không chọn nghiêng hẳn về một bên mà "nửa đồng ý, nửa không đồng ý".

"Em may mắn tìm được 2 dẫn chứng phù hợp với luận điểm của mình. Thứ nhất là câu chuyện của bà Diana Nyad, người phụ nữ 64 tuổi nhưng vẫn nghe theo con tim bơi gần 180 km từ Cuba đến Mỹ. Thứ hai là vụ việc một sinh viên của ĐH Harvard đã bị cho thôi học do không tuân thủ quy định của trường, dù người này quyết định trả lại quyển sách đã lén mượn sau khi thư viện của trường bị cháy", Minh Anh nhớ lại.

Thủ khoa thi lớp 10 TP.HCM đạt điểm 10 môn toán nhờ không thuộc lòng máy móc- Ảnh 2.

Minh Anh trong lễ tốt nghiệp tại Trường THCS Trần Quang Khải (Q.Tân Phú)

NVCC

Còn với môn tiếng Anh, Minh Anh cho biết vì đã có bằng B2 từ trước (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) nên em không gặp khó với bất cứ câu hỏi nào. Ngoài học từ vựng và ngữ pháp, nữ thủ khoa nói thêm em cũng thường đọc sách phiên bản tiếng Anh của các tác phẩm kinh điển như Tiếng gọi nơi hoang dã, Nanh trắng của nhà văn người Mỹ Jack London.

Cố hết sức ở môn thế mạnh

Sau 4 năm ở Trường THCS Trần Quang Khải, Minh Anh đã đạt điểm trung bình là 9,7. Không những thế, em còn nhận giải 3 học sinh giỏi cấp thành phố môn sinh học hồi lớp 9, giải thưởng Violympic toán cấp thành phố vào lớp 6. "Em không có bí quyết nào quá đặc biệt, chủ yếu là học đều các môn để không hụt hơi, cố gắng phát huy ở những môn mình có thế mạnh và liên tục thử thách bản thân qua các kỳ thi", nữ thủ khoa chia sẻ.

"Trong các bài kiểm tra, dù không làm được những câu khó, em cũng phải dành ra thời gian kiểm tra lại từ đầu đến cuối để đảm bảo mình không mất bất kỳ điểm nào ở câu dễ thay vì cứ dành hết thời gian làm câu khó", Minh Anh nhận định.

Ngoài học trên lớp, nữ sinh cho biết gia đình cũng có mời gia sư đến nhà dạy vào buổi tối để kèm cặp em một số môn thi, với lịch từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi buổi kéo dài 2 giờ. Và dù là lớp 9 là năm trọng điểm ôn tập, song nữ sinh cho hay lịch học em cũng không tất bật "tối tăm mặt mũi" mà chỉ tương tự những năm học trước đó.

"Vào thời gian rảnh, ngoài đọc truyện tranh và đi du lịch cùng gia đình, em còn tìm đến bộ môn vẽ để giải tỏa áp lực vì có năng khiếu ở lĩnh vực này. Em mê nhất việc vẽ phong cảnh và tĩnh vật", Minh Anh cho hay.

"Em muốn gửi lời cảm ơn ba mẹ rất nhiều vì đã luôn là người truyền rất nhiều động lực cho em, luôn cổ vũ em trong mọi hành trình. Em cũng cảm ơn thầy cô trên lớp lúc nào cũng tận tình chỉ bảo. Ngoài ra, em cũng rất ngưỡng mộ bác sĩ của gia đình em. Bác là người truyền cảm hứng để em cố gắng học thật giỏi, mai sau có thể theo đuổi công việc ý nghĩa như bác ấy", nữ thủ khoa thi lớp 10 TP.HCM bộc bạch.

Giảng dạy cho Minh Anh xuyên suốt 4 năm qua, cô Đỗ Thanh Loan, giáo viên ngữ văn Trường THCS Trần Quang Khai, nhận xét cô học trò nhỏ luôn tự giác, vững phương pháp làm bài và hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập được giao, từ bài tập đến hoạt động nhóm. “Trước khi thi, tôi chỉ giao nàng ấy nhiệm vụ duy nhất là trở thành thủ khoa, và may mắn là nàng ấy đã đạt được”, cô Loan cười nói.

“Năm nào cũng như năm đó, nàng ấy đều tranh thủ sớm hoàn thành yêu cầu tôi giao và ríu rít tìm đến tôi để xin chỉnh sửa câu từ, ý tưởng, dù đôi khi đó chỉ là những lời tôi nói thoáng qua, những bài tập nhỏ giao chung chung làm được thì làm, không làm được thì thôi vì biết các bạn còn phải học nhiều môn khác, nhất là vào lớp 9. Sự sáng tạo, nỗ lực và chủ động ấy làm tôi luôn yên tâm ở nàng ấy”, cô Loan nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.