Thủ khoa tiếp sức gen Z: Cách phân bố thời gian làm bài thi THPT môn tiếng Anh

24/04/2023 09:00 GMT+7

Để đạt được điểm số gần như tuyệt đối ở môn tiếng Anh, chắc chắn các thủ khoa phải có những bí quyết riêng. Thí sinh cùng đón xem các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" hôm nay (24.4) để biết được những bí quyết quý giá này.

Trong video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" hôm nay, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 tại TP.HCM năm 2022 Trương Huệ Như chọn chủ đề "60 phút cho bài thi môn tiếng Anh: Phân bố thời gian như thế nào để hợp lý" chia sẻ với thí sinh (TS). Trong đó, có một chi tiết rất ấn tượng khi Huệ Như chia sẻ về cách "lụi" những câu không biết một cách có phương pháp để xác suất trúng cao hơn.

Thủ khoa Trương Huệ Như: 60 phút làm bài thi tiếng Anh - Phân bố như thế nào cho hợp lý

Về phân bố thời gian khi làm bài thi, Như cho biết TS nên lưu ý là không chỉ riêng môn tiếng Anh mà tất cả các môn khác cũng áp dụng cách câu dễ làm trước, khó làm sau. Cụ thể, trong vài phút đầu tiên, TS nên đọc lướt qua đề, đánh dấu những câu khó để làm sau. "Khi làm những câu dễ, dù là dễ thật nhưng cũng phải làm thật cẩn thận, vì đây là những câu lấy điểm mà mình làm sai thì quá đáng tiếc. Sau khi làm xong các câu dễ sẽ làm đến những câu khó hơn mà mình đã đánh dấu trước đó", Như lưu ý.

Muốn đạt điểm cao môn tiếng Anh, đừng bỏ qua những bí quyết này - Ảnh 1.

Trương Huệ Như, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM năm 2022

NVCC

Từ kinh nghiệm của mình, cô thủ khoa Huệ Như cho biết thường những bài điền vào chỗ trống và đọc hiểu sẽ làm sau cùng, vì đây là 2 dạng bài phải đọc cả một đoạn văn mới hiểu được, nên sẽ tốn nhiều thời gian.

Như cũng lưu ý các TS: "Khi làm bài, nếu gặp câu nào quá khó thì đừng dừng ở câu đó quá lâu, mà đánh dấu lại và làm những câu khác. Khi làm hết bài thi, đến cuối giờ mình quay lại những câu đã đánh dấu để suy nghĩ kỹ hơn".

Trong trường hợp đã suy nghĩ nhưng vẫn không tìm ra được đáp án thì cách duy nhất theo Như là "lụi", chứ không nên bỏ trống. "Nhưng cũng không nên "lụi" một cách vô tội vạ. Khi gần hết giờ, mình sẽ đọc lại đáp án từ trên xuống dưới mà mình đã làm, xem đáp án nào (A, B, C hay D) xuất hiện ít hơn thì các câu mà mình không biết sẽ chọn theo đáp án đó, chẳng hạn như đáp án A tỷ lệ xuất hiện ít hơn thì các câu mình không biết sẽ chọn đáp án A. Như vậy xác suất trúng sẽ cao hơn là việc mình cứ khoanh vô tội vạ", cô nàng thủ khoa chia sẻ kinh nghiệm.

Tuy nhiên, Như lưu ý làm theo cách này cũng có trường hợp xảy ra là trúng đề "liệt". Trong đề "liệt" nếu mình khoanh từ trên xuống dưới cùng 1 đáp án thì có khả năng sẽ sai hết. Vì thế luôn cố gắng hết mình để làm bài, chỉ "lụi" ở một vài câu không biết.

"Điều quan trọng nhất mà mình muốn nhắn gửi tới các bạn là cuối giờ nên dò lại bài cho thật kỹ, dò càng nhiều lần càng tốt để chắc chắn rằng mình không bỏ sót một câu nào", cô nàng thủ khoa gửi gắm.

Thí sinh cùng theo dõi các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn; mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ và chiều: 14 giờ).

Đơn vị tài trợ: 

Thủ khoa tiếp sức gen Z: Cách phân bố thời gian làm bài thi THPT môn tiếng Anh - Ảnh 4.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.