Thủ lĩnh giáo phái 'nhịn đói' rúng động Kenya bị buộc tội khủng bố

Khánh Như
Khánh Như
18/01/2024 21:07 GMT+7

Tòa án Mombasa ở Kenya hôm nay 18.1 đã buộc tội khủng bố đối với thủ lĩnh giáo phái nhịn đói từng gây rúng động quốc gia này.

Cụ thể, mục sư tự xưng Paul Nthenge Mackenzie lập ra giáo phái "nhịn đói" và xúi giục tất cả tín đồ nhịn ăn đến chết để được gặp Chúa Jesus. Đã có hơn 400 người ở Kenya mất mạng vì tin lời của "thủ lĩnh" này, AFP đưa tin.

Mackenzie bị bắt vào tháng 4 năm ngoái sau khi hàng loạt thi thể được phát hiện trong rừng Shakahola ở Kenya. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy phần lớn trong số 429 nạn nhân đã chết vì đói.

Thủ lĩnh giáo phái 'nhịn đói' rúng động Kenya bị buộc tội khủng bố- Ảnh 1.

Paul Nthenge Mackenzie trong phiên tòa ngày 17.1

REUTERS

Trong khi đó, một số người khác, bao gồm cả trẻ em, dường như đã bị bóp cổ, đánh đập hoặc làm cho ngạt thở. Một số thi thể cũng được tìm thấy trong tình trạng mất nội tạng, Reuters đưa tin.

Mackenzie và 94 nghi phạm khác đã phủ nhận và khẳng định "không có tội" trong các cáo buộc về cực đoan hóa.

Thủ lĩnh giáo phái ép tín đồ "nhịn đói đến chết" để lên thiên đàng là ai?

Theo tài liệu từ tòa án Mombasa mà AFP được tiếp cận, Mackenzie còn bị buộc tội "hoạt động tội phạm có tổ chức". Việc giam giữ Mackenzie trước khi xét xử đã nhiều lần được gia hạn do bên công tố yêu cầu thêm thời gian để điều tra vụ án.

Tuy nhiên, vào tuần trước, một tòa án đã cảnh báo rằng họ sẽ trả tự do cho Mackenzie trừ khi các cáo buộc được nộp trong vòng 14 ngày. Do đó, các công tố viên đã đẩy nhanh việc đánh giá sức khỏe tâm thần để xác định xem Mackenzie có đủ điều kiện để hầu tòa vì tội giết người hay không.

Văn phòng giám đốc công tố hôm 16.1 còn nói rằng họ có "đủ bằng chứng để truy tố 95 nghi phạm" và buộc tội họ về tội giết người, ngộ sát và khủng bố.

Vụ án rùng rợn, được mệnh danh là "vụ thảm sát rừng Shakahola", đã khiến chính phủ Kenya quyết tâm kiểm soát chặt chẽ hơn các giáo phái. Là một quốc gia có phần lớn người theo đạo Thiên chúa, Kenya đã phải đấu tranh để quản lý các nhà thờ nhằm ngăn tà giáo tràn lan trong nước.

Theo số liệu của chính phủ, có hơn 4.000 nhà thờ được đăng ký tại quốc gia có khoảng 53 triệu dân ở Đông Phi này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.