Thư nào con cũng hỏi 'chừng nào mẹ về'!

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/01/2023 07:00 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Bình sang Pháp tham gia đàm phán để ký Hiệp định Paris khi con gái bà mới lên 8 tuổi.

Nhiều năm sau cuộc đàm phán Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Bình viết trong hồi ký: “Đây có lẽ là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, bắt đầu từ tháng 11.1968, kết thúc ngày 27.1.1973. Khi rời Hà Nội lên đường cuối tháng 10.1968, tôi không ngờ nó sẽ kéo dài đến thế”.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam

tl

Bà cho biết trước khi đi bà bối rối không biết nói thế nào với chồng, và trước các con vẫn còn quá nhỏ mà phải xa mẹ biền biệt. “Anh Khang hiểu tôi phải đảm nhiệm một công việc rất quan trọng, anh không hỏi gì cụ thể, chỉ động viên: “Em có việc phải làm, cứ yên tâm đi, các con đã có anh và ba lo”. Tôi thương quý và biết ơn anh vô cùng”, hồi ký của bà có đoạn viết.

Bà chia sẻ: “Khi tôi rời Hà Nội đi Pháp tham gia cuộc đàm phán, con gái tôi lên 8 tuổi, con trai 11 tuổi. Tôi rất nhớ chúng. Lâu lâu có người trong nước sang, tôi nhận được thư của anh Khang và hai con. Thư nào của Mai cũng hỏi “chừng nào mẹ về”. Điều mong muốn nhất của trẻ con Việt Nam lúc bấy giờ là được sống với cha, với mẹ”.

Đoàn đại biểu Mặt trận đến Paris, dự Hội nghị bốn bên về Việt Nam tháng 11.1968

tl

Sau nhiều tranh cãi, hội nghị Paris sử dụng một chiếc bàn đàm phán có mặt tròn to, đường kính 8m, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài, như vậy ai hiểu là hai bên hay bốn bên cũng được. Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một bên, còn phía ta Đoàn Mặt trận và Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi thành hai đoàn riêng biệt. Bà Bình đánh giá đối với dư luận cách ngồi của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là không có lợi cho họ, có thể thấy rõ chính quyền Sài Gòn là tay sai của Mỹ, làm sao mà đại diện được cho nhân dân miền Nam.

Cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều năm. Bà cho biết: “Tại bàn hội nghị, tôi thường chú ý quan sát hai đoàn đối phương, nhất là đoàn chính quyền Sài Gòn, trong nhiều năm do Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn. Nhìn họ, tôi tự hỏi không biết họ đang nghĩ gì, về tương lai của đất nước, và của chính họ. Sự thật là thái độ của Lâm và nhiều người trong đoàn chính quyền Sài Gòn không tỏ ra thù địch với chúng tôi. Sau này tôi được biết Phạm Đăng Lâm quê ở Bến Tre và có nhiều bạn thân trong hàng ngũ mặt trận”.

Chiếc máy chữ bà Nguyễn Thị Bình được Hội Liên hiệp phụ nữ Pháp tặng, bà sử dụng nó từ 1969

tl

Thoạt tiên, bà Bình ở Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam thành lập, và đoàn của bà mang tên gọi này. Trong hồi ký, bà cho biết đây là sự kiện rất quan trọng nhân dân trong nước vui mừng, ở Sài Gòn rất xôn xao, dư luận quốc tế cũng hết sức quan tâm.

“Tại bàn đàm phán tôi thay thế đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, đồng thời từ đây sẽ dự hội nghị với tư cách là đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam vừa thành lập”, bà Bình nhớ lại. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 20 nước, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa và hai nước bạn chí cốt của Việt Nam là Cuba và Algérie, ra tuyên bố công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Phố Kléber, nơi diễn ra đàm phán lịch sử

tl

Sau khi bà Bình được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán, bà có thêm nhiệm vụ là đại diện ngoại giao về mặt nhà nước cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời, vận động chính phủ các nước công nhận ngoại giao. Đến năm 1970 thì đã có 24 nước công nhân ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Việc tham gia Phong trào Không liên kết được đặt ra thành một mục tiêu lớn để đề cao vị trí quốc tế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam.

Ký ức về ngày 27.1.1973, ngày ký kết Hiệp định Paris, là ngày không thể quên của bà. “Tất cả các báo trên thế giới đều đưa lên trang nhất sự kiện trọng đại này. Những người yêu hòa bình và công lý trên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng. Đêm 26 tháng Giêng, trong cả hai đoàn hầu như không ai ngủ, mọi người đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc sẽ làm trong ngày hôm sau”, bà Bình viết.

Hiệp định Paris được ký kết năm 1973

tl

Bà Bình nhớ lại: "Sáng 27.1.1973, phòng hội nghị Kléber rực sáng ánh đèn. Trước nhà hội nghị, hàng ngàn người - kiều bào ta, bạn bè Pháp và các nước - vẫy tay chào chúng tôi giữa một rừng cờ. Tôi bước vào phòng, rất hồi hộp…Đúng 10 giờ, bốn Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Mỹ (William P.Rogers), Cộng hòa miền Nam (Trần Văn Lắm) ngồi vào bàn. Mỗi người ký vào 32 văn bản của Hiệp định".

Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử cuối cùng đã kết thúc. Bà Bình nhớ lại: “Tôi rời Paris về nước đầu tháng 4.1973. Cuộc tiễn đưa tại sân bay Bourget – cũng đúng nơi hơn bốn năm về trước tôi đã bước chân đến để tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam, thật xúc động… Và tôi đã lại được trở về với cái tổ ấm nhỏ thân thương nhất của tôi, gặp lại chồng con trong nỗi mừng vui khôn tả”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.