Ký ức về cuộc đàm phán dài nhất lịch sử

18/01/2023 07:19 GMT+7

Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, chia sẻ trong hồi ký về Hiệp định Paris, khi rời Hà Nội lên đường cuối năm 1968, bà không ngờ cuộc đàm phán để ký hiệp định lại dài đến thế.

Bắt đầu ngoại giao từ… cái bàn

Bà Nguyễn Thị Bình đã dành một chương trong cuốn hồi ký Đất nước, gia đình và bạn bè của mình để viết về những năm tháng đàm phán Hiệp định Paris. Trong chương “Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử”, bà viết: “Đây có lẽ là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, bắt đầu từ tháng 11.1968, kết thúc ngày 27.1.1973. Khi rời Hà Nội lên đường cuối tháng 10.1968, tôi không ngờ nó sẽ kéo dài đến thế”. Thời điểm đó, bà là đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Toàn cảnh ký kết Hiệp định Paris 1973

Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại điểm khởi đầu của cuộc đàm phán là đấu tranh về cái bàn. “Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới chưa bao giờ lại có kiểu bắt đầu đặc biệt như vậy: Trước tiên là đấu tranh về cái bàn. Đương nhiên có lý do, hình thù và cách phân chia chỗ ngồi ở bàn chính là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên đàm phán”, bà Bình viết.

Bà cũng cho biết từ tháng 5 - 10.1968, cuộc bàn cãi giữa ông Xuân Thủy (Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - VNDCCH) và Đại sứ Mỹ Harriman đã rất gay gắt về vấn đề vai trò của đoàn Mặt trận. Phía ta nêu rõ Mặt trận là đại diện cho nhân dân miền Nam đang trực tiếp chống Mỹ nên đương nhiên phải là một bên đàm phán. Mỹ thì cho rằng Mặt trận là “người của miền Bắc”, là “cộng sản”, muốn lật đổ “quốc gia” ở miền Nam. Ta nói rằng chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên, là tay sai của Mỹ. “Cuộc đấu tranh “bốn bên hay hai bên” có ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Chúng ta yêu cầu một cái bàn vuông cho bốn bên đàm phán hoặc một cái bàn tròn chia bốn. Mỹ đòi một cái bàn chữ nhật có hai bên hoặc một cái bàn tròn chia đôi”, bà Bình viết.

Cuối cùng, các bên thống nhất sẽ là một cái bàn tròn to, đường kính 8 m, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài, như vậy ai hiểu là hai bên hay bốn bên cũng được. Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một bên, còn phía ta, đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và đoàn Chính phủ VNDCCH ngồi thành hai đoàn riêng biệt. “Đối với dư luận, cách ngồi của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là không có lợi cho họ, có thể thấy rõ chính quyền Sài Gòn là tay sai của Mỹ, làm sao mà đại diện được cho nhân dân miền Nam”, bà Bình chia sẻ.

Công khai và bí mật, đánh để đàm

Hồi ký của ông Hà Văn Lâu, thành viên của đoàn đàm phán Chính phủ VNDCCH, cho biết trong giai đoạn đầu (từ ngày 13.5 - 31.10.1968), ta đòi Mỹ chấm dứt ném bom vô điều kiện. Ta nhấn mạnh chữ vô điều kiện nhưng Mỹ đòi ra điều kiện mới chấm dứt ném bom. Tất nhiên, ta không chịu mà kiên quyết đòi chấm dứt ném bom vô điều kiện. “Ta có hai phương thức đấu tranh, đấu tranh công khai họp tại Kléber (Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber, Paris, Pháp - PV) và đấu tranh bí mật. Đấu tranh công khai, ta huy động nhân dân Pháp tiến bộ và nhất là Việt kiều lên án tội ác chiến tranh của Mỹ. Ngoài công khai, còn có những cuộc tiếp xúc bí mật đi vào thăm dò để giải quyết từng vấn đề. Tổng cộng, hai bên đã có 28 cuộc họp công khai và 12 cuộc họp bí mật cấp phó đoàn”, ông Lâu viết.

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973

Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Ông Lâu cũng cho biết: “Tôi tham gia chủ yếu ở giai đoạn thứ nhất, giai đoạn thăm dò phía Mỹ. Trong khi thăm dò, tôi có nhiệm vụ thay mặt cho đoàn VNDCCH gặp gỡ riêng với Cyrus Vance, Phó đoàn phụ trách về quân sự. Trong các cuộc gặp riêng, tôi cùng anh Nguyễn Minh Vỹ (Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin lúc bấy giờ, một thành viên đoàn Chính phủ VNDCCH - PV) đấu tranh với Vance và Habib - một tay cố vấn rất am hiểu Đông Dương. Qua 12 cuộc gặp gỡ bí mật, ta đánh lùi dần các lập trường và điều kiện của Mỹ theo đúng chỉ thị của Bộ Chính trị, cuối cùng buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vô điều kiện vào ngày 31.10.1968”.

Ngoại giao vốn mềm mỏng nhưng rồi thực tế các cuộc ném bom của không quân Mỹ trên miền Bắc đã khiến những nhà ngoại giao Việt Nam phải căng thẳng, gay gắt với phái đoàn Mỹ. Qua hồi ức, ông Hà Văn Lâu nhớ lại, lần thứ nhất, họp riêng hai phó đoàn, Vance đòi ra điều kiện mới đồng ý chấm dứt ném bom. Trong khi đó, ông Hà Văn Lâu yêu cầu Mỹ phải chấm dứt ném bom vô điều kiện.

Lần thứ hai là phiên họp riêng, có cố vấn Lê Đức Thọ - cố vấn đặc biệt của đoàn Chính phủ VNDCCH, Trưởng đoàn Chính phủ VNDCCH Xuân Thủy và ông Hà Văn Lâu. Lần đó, phía VNDCCH không cho phái đoàn Sài Gòn vào họp. Hariman dọa: “Nếu vậy thì chiến tranh còn tiếp tục, bom sẽ lại dội lên đầu các ông”. Nghe vậy, ông Xuân Thủy nổi giận, đập bàn ba lần và nói: “Ông dọa ném bom trở lại à? Chúng tôi sẵn sàng chống lại”. Cố vấn Lê Đức Thọ đấu dịu: “Ông dọa chiến tranh không được đâu. Chúng ta đã đánh nhau nhiều năm rồi, không lạ gì nhau nữa”. Hariman suy nghĩ một hồi và xin rút câu: “Bom sẽ lại dội trên đầu các ông”.

Bom B-52 đã rơi vào cuối năm 1972. Trước đó, trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, ông Lê Đức Thọ đã mang từ trong nước sang “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại, dự thảo hiệp định lần này, ta chủ động nhấn mạnh vào việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh, song nới lỏng yêu cầu vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam. Đến đầu tháng 10.1972, hai bên đã thỏa thuận bản một dự thảo và dự định đến ngày 30.10 sẽ ký Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh...

Ngày 27.1.1973, ngày ký kết Hiệp định Paris, có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Đối với mỗi chúng tôi trong đoàn cũng là ngày không thể quên trong cả cuộc đời... Những người yêu hòa bình và công lý trên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng.

Bà Nguyễn Thị Bình

Mặc dù vậy, đầu tháng 11.1972, khi Nixon thắng cử tổng thống Mỹ, ông ta liền lật lọng, đòi sửa lại nội dung hiệp định. Và để buộc Việt Nam chấp nhận, ông ta đã tiến hành cuộc không kích tội ác liên tục 12 ngày đêm, từ ngày 18 - 31.12.1972, bằng B-52 xuống Hà Nội, Hải Phòng. “Đây là đòn đánh phản trắc và ác liệt nhất của Mỹ. Ngày 21.12, chúng tôi tuyên bố ngừng đàm phán để phản đối. Đó là những ngày vô cùng căng thẳng”, bà Bình viết.

Những ngày Điện Biên Phủ trên không kết thúc, bà Bình đánh giá: “Mỹ đã cay đắng thấy rằng cả B-52 cũng không thể làm nhụt ý chí của nhân dân ta. Trái lại, ngoài thất bại quân sự, tổn thất nặng nề về B-52, thất bại chính trị của Mỹ còn lớn hơn. Cả thế giới lên án Mỹ. Chính phủ Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng ra tuyên bố “đáng tiếc” trước hành động này của Mỹ”.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tặng hoa cho các thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris

Gia Hân

Trên trang nhất mọi tờ báo

Bà Bình viết trong hồi ký: “Ngày 23.1.1973, đồng chí Lê Đức Thọ và Henri Kissinger (cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - PV) ký tắt vào văn bản hiệp định và Hiệp định Paris được ký kết. Đòi hỏi dai dẳng từ đầu của Mỹ là “Hai bên cùng rút quân (quân Mỹ và quân miền Bắc), cái gọi là “có đi có lại” đã thất bại. Phải ký Hiệp định hòa bình với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, rõ ràng Mỹ không còn con đường nào khác. Chúng ta đã đạt được thắng lợi to lớn, quan trọng, Mỹ phải rút hết đi, còn quân Việt Nam vẫn ở trên đất Việt Nam”.

Hiệp định Paris là pho sách quý báu về trường phái ngoại giao Việt Nam

Sáng 17.1, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thành viên đoàn đàm phán VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.

Trong diễn văn kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết

Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20.

Theo ông Sơn, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Chia sẻ tại buổi lễ, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Paris, khẳng định Hiệp định Paris là một thắng lợi có tính quyết định đi đến thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, chiến đấu gian khổ của cả dân tộc. Bà cũng khẳng định, đây không chỉ là thắng lợi về mặt quân sự, chính trị, ngoại giao của Việt Nam mà còn là thắng lợi của phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam.

“Thắng lợi của Hiệp định Paris trước hết là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đây là yếu tố quyết định thắng lợi của chúng tôi. Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, truyền thống của dân tộc Việt Nam, Việt Nam sẽ phát triển mạnh và bền vững”, bà Bình chia sẻ.

Lê Hiệp

Bà cũng viết: “Ngày 27.1.1973, ngày ký kết Hiệp định Paris, có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Đối với mỗi chúng tôi trong đoàn cũng là ngày không thể quên trong cả cuộc đời… Tất cả các báo trên thế giới đều đưa lên trang nhất sự kiện trọng đại này. Những người yêu hòa bình và công lý trên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng. Đêm 26 tháng giêng, trong cả hai đoàn hầu như không ai ngủ, mọi người đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc sẽ làm trong ngày hôm sau”.

Ông Nguyễn Minh Vỹ cũng viết lại về thời điểm lịch sử này. Ông viết: “Tết thắng lợi ở Paris gắn liền với tết thắng lợi ở Hà Nội. Hai trận thắng trên hai mặt trận quân sự và ngoại giao ở hai thủ đô xa nhau vạn dặm mà gần nhau như tấc gang”.

Bà Nguyễn Thị Bình khép lại hồi ức về cuộc đàm phán: “Tôi rời Paris về nước đầu tháng 4.1973. Cuộc tiễn đưa tại sân bay Bourget (Paris - PV) - cũng đúng nơi hơn bốn năm về trước tôi đã bước chân đến để tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam thật xúc động... Tất nhiên niềm vui to lớn hơn cả là về nước với đồng bào, đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng chúc mừng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Và tôi đã lại được trở về với cái tổ ấm nhỏ thân thương nhất của tôi, gặp lại chồng con trong nỗi mừng vui khôn tả”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.