Sáng nay, 17.5, tại Hà Nội, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) tổ chức tọa đàm về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và kỷ niệm 45 Ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam.
Chia sẻ buổi tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Thọ, cho biết hiện tại chính sách chế độ của kiểm lâm khá tốt, cán bộ kiểm lâm có thâm niên ở địa bàn đang hưởng lương 15 - 16 triệu đồng/tháng. Dù chế độ lương, phụ cấp rất tốt, đầy đủ so với nhiều ngành khác, nhưng vẫn có những trường hợp xin nghỉ hưu sớm do áp lực, trách nhiệm bảo vệ rừng ngày càng nặng nề.
Trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết nhiều cán bộ kiểm lâm ở Quảng Nam có đơn xin nghỉ việc hàng loạt cho thấy công tác bảo vệ rừng đang là áp lực chung của lực lượng kiểm lâm ở nhiều địa phương khác. Công việc, trách nhiệm bảo vệ rừng đứng trước nhiều thách thức nặng nề.
Theo quy định, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn 2- 3 xã, kể cả những khu vực có rừng đặc dụng được bố trí kiểm lâm, thì mỗi cán bộ quản lý khoảng 500 ha rừng. Vì vậy, cán bộ trên 50 tuổi để đảm bảo đi rừng, bám sát rừng, đặc biệt là khu vực có địa hình khó khăn như khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên, rất khó hoàn thành nhiệm vụ.
“Trong 1 ngày, 1 tháng không đi hết các điểm được giao anh em cũng cảm thấy xấu hổ, tự ti khi không hoàn thành nhiệm vụ, nên cán bộ dù chưa đến tuổi nghỉ hưu cũng muốn xin nghỉ sớm. Chúng tôi cho rằng, thời gian tới cần phải có chính sách để cán bộ kiểm lâm có quyền được nghỉ hưu sớm trước độ tuổi nghỉ hưu trung bình nhà nước quy định”, ông Tùng nói.
Không thấy lãnh đạo địa phương bị xử lý khi rừng bị phá
Ông Nguyễn Văn Cương, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Kiểm lâm, cho rằng công tác bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm hiện nay đang đứng trước nhiều sức ép và áp lực.
Trước đây, Chính phủ đã có các quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng thực tế, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng mất rừng do cháy, phá rừng, nhưng chưa có thấy có một ông chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh nào bị kiểm điểm, xử lý, mà chỉ quy trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm.
“Nếu không có hành động quyết liệt để các địa phương phải thực hiện đúng các quy định bảo vệ rừng, thì sự việc nhiều kiểm lâm ở Quảng Nam xin nghỉ việc vừa qua dễ tạo thành "hiệu ứng domino" ở nhiều địa phương khác, nhất là những địa phương có diện tích rừng rộng lớn”, ông Cương cảnh báo.
Theo Cục Kiểm lâm, số vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng đang có xu hướng gia tăng. Qua thống kê, trong 10 năm qua, cả nước xảy ra 432 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 10 kiểm lâm hy sinh khi bị các đối tượng phá rừng, lâm tặc tấn công.
Bình luận (0)