Thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng nhờ nặn tượng đất sét

19/10/2022 16:30 GMT+7

Nhờ đam mê, gắn bó với công việc nặn tượng đất sét bằng phong cách chibi, anh Lê Nguyễn Hồng Đức đã mang về thu nhập 50 triệu mỗi tháng.

Anh Lê Nguyễn Hồng Đức (34 tuổi), ngụ đường Trần Văn Ơn, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM người đã từ bỏ công việc kế toán để theo đuổi đam mê nặn đất sét thành những tượng chibi.

Từ những cục đất vuông, tròn, qua đôi bàn tay khéo léo của Hồng Đức đã trở thành các tượng đất sét chibi đáng yêu và sống động như thật.

PHÚC KHA

Quyết tâm làm giàu từ đất sét

Anh Hồng Đức chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ tôi đã yêu thích các sản phẩm thủ công, đặc biệt là tượng hình người làm bằng đất sét. Tôi thích làm tạo hình, vẽ hình nhân vật. Mới đầu, tôi làm những mô hình bằng giấy. Tôi thấy chất liệu giấy thì khó tạo hình quá, tôi mới tìm một chất liệu đất sét để làm những nhân vật mà mình thích”.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành kế toán của Trường ĐH Hoa Sen, anh Đức đi làm cho một công ty. Qua một thời gian làm việc, anh thấy không phù hợp với công việc, thu nhập không cao, anh quyết định học nghề nặn chibi truyền thần một cách chuyên nghiệp và quyết tâm làm giàu từ niềm đam mê nghệ thuật đất sét của mình.

Anh Đức nói: “Một hôm, tôi đi hội chợ, tôi thấy một số người làm tượng đất sét hình minion sao mà đẹp quá. Tôi về bắt đầu tìm hiểu công việc bằng đất sét”.

Song, thời điểm đó rất khó tìm kiếm sách báo, video trên mạng về làm tượng chibi truyền thần. Tìm kiếm nguồn tài liệu không khả thi, anh Đức xin học nghề ở những người đang kinh doanh mặt hàng tượng chibi nhưng không người nào đồng ý dạy.

Không chấp nhận lùi bước trước những khó khăn trong tìm kiếm nơi học tập, Đức quyết tâm "tự lực cánh sinh". Anh tâm sự: “Ban ngày tôi đi làm, tối về bắt tay vào tập luyện tạo hình từ đất sét, có đêm làm tới 2 giờ sáng. Có những tác phẩm khó, mình làm đi làm lại, đến lần thứ 10 mới ưng ý”.

Mới bắt đầu làm, anh Đức trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại. Những sản phẩm đầu tiên "rất thô sơ", từ tạo hình đến màu sắc. Tượng nặn ra không đẹp, không giống thật, chất liệu cũng không đảm bảo, bảo quản không được lâu. Tuy vậy, chàng trai chưa khi nào có ý định bỏ cuộc, nhiều đêm thức trắng, mày mò để ra được công thức chuẩn nhất. Sau một thời gian tập luyện và quan sát, những sản phẩm ra đời tinh xảo hơn, nhờ hiểu được những bước cơ bản để tạo hình, Đức đã cũng đã làm ra được sản phẩm đầu tiên, đăng lên mạng bán.

Nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực nặn tượng đất sét chibi, anh lấy số tiền dành dụm từ công việc đi làm kế toán đi thuê một căn nhà nhỏ để có nơi sản xuất và thuê nhân công phụ việc. Từ đây, anh bắt đầu bước vào công việc kinh doanh tượng đất sét.

“Lúc mới mở "xưởng", tôi không có khách hàng. Doanh thu chỉ vừa đủ tiền thuê phòng, mua nguyên vật liệu, trả lương nhân công. Sau đó, tôi quyết tâm học thêm quảng cáo, marketing, rồi mới đầu tư hình ảnh, làm website. Từ đó, lượng khách mới ổn định”, anh Đức nhớ lại.

Sản phẩm tượng đất sét chibi của Hồng Đức.

PHÚC KHA

Bốn bước để ra một sản phẩm

Khi làm một sản phẩm tượng chibi, anh Đức luôn đặt ra mục tiêu làm việc bằng cái tâm. Mỗi sản phẩm đều được anh thực hiện chỉn chu, đầu tư chất liệu tốt nhất. Anh Đức bày tỏ: “Dần dần có sự tin tưởng từ khách hành, các đơn hàng liên tục tới tấp hơn, có khi sản phẩm làm không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. Trung bình một ngày, tôi có thể bán được từ 5-10 tượng, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng”.

Tượng chibi để trong điều kiện bình thường mất một ngày để khô cứng, sau đó sẽ được phun lớp sơn để chống thấm và không phai màu. Mỗi tháng xưởng của Đức chế tác được khoảng 250 sản phẩm, với giá dao động từ 400.000 đồng đến 4 triệu đồng/1 tượng. Phần lớn khách đặt tượng là đặt bức tượng về chính mình, gia đình, vợ chồng, bạn bè... Hiện tại, anh Đức sản xuất 3 dòng sản phẩm chính, gồm: tượng chibi loại nhỏ; tượng tả thực và tượng điêu khắc truyền thần.

Tại cơ sở sản xuất, có khoảng 8 nhân viên phụ giúp anh. Nhân viên vào làm việc phải khéo tay, thật sự yêu thích công việc và đã được anh hướng dẫn ngay từ những bước đầu.

Ảnh: Phúc Kha

Để tạo ra sản phẩm tượng chibi có chất lượng tốt nhất, anh đã dùng đất sét Việt làm nguyên liệu chính cho sản phẩm. Khi dùng đất sét Việt, anh Đức cảm nhận được sự dẻo dai, không quá khô và độ bền của chúng. “Mỗi bức tượng chibi thực hiện mất khoảng 4 tiếng đồng hồ để hoàn thành, nhưng có thể bảo quản khoảng 20-30 năm”, chàng trai cho biết.

Làm ra được hình tượng chibi đúng với yêu cầu của khách, Đức cho biết phải tỉ mỉ trong từng bộ quần áo, kiểu tóc, phụ kiện. Tuy nhiên, điều làm tượng chibi đất sét đặc biệt hơn những loại tượng khác chính là "cái hồn" và thông điệp mà chúng mang lại.

Theo lời kể của Đức, điều khó nhất của việc làm mô hình đất sét là miêu tả được độ chính xác của sản phẩm. "Mỗi sản phẩm đều trải qua 4 bước. Đầu tiên là lọc từ hàng chục loại màu khác nhau để chọn ra vài loại phù hợp nhất với đất sét, không bị phai theo thời gian. Bước hai là tạo hình, sẽ phác thảo trước hình nhân vật do khách hàng cung cấp, bước này sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau để tạo hình như gỗ, kim loại và silicon để thực hiện chế tác riêng biệt từng bước cho các phần thân, đầu, quần áo, tóc, phụ kiện. Bước 3 là dặm màu để sản phẩm được miêu tả rõ độ đậm nhạt. Cuối cùng là quét một lớp phủ bảo vệ sản phẩm", anh Đức cho biết.

Cũng theo anh Đức, vẽ khuôn mặt là công đoạn quan trọng, nhất là đôi mắt để tạo ra thần thái của bức tượng. Khác với tượng chibi thường thấy với khuôn mặt, đôi mắt to đặc trưng, tượng chibi truyền thần cần nét mặt tả thực để giống với nhân vật thật nhất, mang nét dễ thương của thể loại này”.

Một số công đoạn tạo thành tượng đất sét.

PHÚC KHA

10 năm làm nghề, anh Đức, chia sẻ: "Mình luôn đặt tình yêu vào từng sản phẩm. Muốn sản phẩm của mình làm ra giúp mọi người có niềm vui trong cuộc sống. Niềm vui của khách hàng trở thành động lực giúp mình cố gắng từng ngày để lan tỏa sự yêu thương".

Chia sẻ về một đơn hàng khiến anh nhớ mãi, anh Đức kể: “Một bạn nam đang muốn tỏ tình với cô bạn, bạn nam đặt tượng cô bạn và tặng tỏ tình thành công, đến khi bạn kết hôn, chụp ảnh cưới gửi qua, tôi cũng làm cặp cô dâu chú rể. Khi họ có con, con họ khoảng 3 tuổi, họ gửi hình qua làm tiếp. Tôi làm 3 giai đoạn trong cuộc đời của họ”.

Chị Lê Nguyễn Hồng Mỹ (29 tuổi) em gái của anh Đức chia sẻ: “Anh Đức rất tâm huyết với công việc nặn tượng đất sét. Anh dành phần lớn thời gian để mày mõ, tìm hiểu, tập luyện về tượng đất sét. Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, anh phải cố gắng rất nhiều, kiên trì theo đuổi công việc dù gặp không ít khó khăn”.

Theo chị Lê Thị Tư (22 tuổi) nhân viên đang làm việc tại xưởng của anh Đức cho biết anh Đức là một người rất nhiệt tình, tận tình hướng dẫn chị Tư làm các công đoạn của nặn tượng đất sét. Nhờ anh Đức mà chị Tư có công việc, thu nhập ổn định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.