Đây là thông điệp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắn gửi các cấp công đoàn và công nhân lao động tại lễ kỷ niệm 135 năm Ngày quốc tế lao động (1.5.1886 - 1.5.2021), phát động Tháng Công nhân và phối hợp với Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức ngày 28.4.
Theo Chủ tịch nước, năm 2021, Tháng Công nhân với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển” gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức Chương trình “75 nghìn sáng kiến - vượt khó, phát triển” trong công nhân, viên chức, lao động là cách làm sáng tạo, thiết thực để phát huy tiềm năng to lớn của giai cấp công nhân, người lao động (NLĐ).
Chủ tịch nước bày tỏ: “Chúng ta rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà người công nhân nói riêng và NLĐ nói chung đã và đang trải qua trong bối cảnh Việt Nam và toàn thế giới đang đấu tranh phòng chống dịch bệnh Covid-19. Mất việc làm, thu nhập giảm sút, các chế độ phúc lợi bị cắt giảm, đặc biệt cuộc sống của những người ở khu vực lao động phi chính thức sẽ còn khó khăn hơn”.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, hoàn thành “mục tiêu kép” để kinh tế chóng phục hồi, thu nhập sẽ tăng trở lại và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra không chỉ bù đắp cho giai đoạn vừa rồi mà còn tạo ra “sức bật lò xo” cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Đánh giá cao Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động đã phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đồng thời Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh”, theo Chủ tịch nước là rất phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh Covid -19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất tạo ra 60% tổng sản phẩm trong nước và 70% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận công nhân còn khó khăn.
Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, có 12 vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động, trong đó đứng đầu là tiền lương, thu nhập, việc làm; nhà ở; môi trường làm việc; khu vui chơi giải trí; nhà gửi trẻ; trường học cho con; điều kiện lao động; bảo hộ, an toàn lao động. Đại dịch thậm chí đã làm những vấn đề này trở thành cấp bách, khó khăn hơn lúc nào hết.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đề nghị các cấp công đoàn cần tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động, đi sâu, đi sát với đời sống đoàn viên công đoàn, người lao động; vui với niềm vui của NLĐ, buồn với nỗi buồn của NLĐ. Các sáng kiến phải thiết thực, các chương trình phải hiệu quả, cách làm phải sáng tạo. Tất cả hướng đến thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”.
Trước diễn diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19 trên thế giới và ở một số quốc gia trong khu vực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Chúng ta không được phép lơ là, chủ quan, tôi đề nghị toàn thể nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân, người lao động đề cao cảnh giác, thực hiện các khuyến nghị 5K của Bộ Y tế, trước hết là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở nhắc nhở, động viên công nhân, người lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch”.
Bình luận (0)