Sợ câu hỏi lương bao nhiêu, thưởng tết thế nào
Trịnh Thị Nhi (22 tuổi, tỉnh Đồng Nai) vừa vào TP.HCM sau hơn 4 tháng thất nghiệp và kẹt ở quê. Khi thấy tình hình dịch ổn định, cô ngay lập tức vào thành phố tìm việc với mong muốn có phần thu nhập bù vào khoản mất mát vừa qua.
Cuối năm ngoái, trong những ngày cận tết, dù còn là sinh viên nhưng cô có thể dành dụm tiền làm thêm để mua quà về cho gia đình ở quê. Tuy nhiên, năm nay, Nhi đành chịu cảnh ”trắng tay”.
“Những tháng ngày ở quê, hàng xóm cứ lời ra tiếng vào bảo tôi không chịu đi làm. Điều này thật sự rất áp lực nên có cơ hội, tôi lên thành phố tìm việc ngay. Tôi vừa phỏng vấn ở một công ty truyền thông, nếu may mắn sẽ có được việc làm trước tết”, Nhi nói.
“Lương bao nhiêu, thưởng tết thế nào?” trở thành câu hỏi ám ảnh trong Nhi |
T.Nh |
Trong dịp tết năm nay, Nhị dự đoán chắc chắn sẽ đối mặt với câu hỏi từ hàng xóm, họ hàng về chuyện lương bổng nên không mấy thiết tha về quê. “Tôi sẽ bị đem ra so sánh với người khác. Lúc đó, tôi sẽ cảm thấy áp lực và chán nản dù tết là dịp vui vẻ. Những câu chất vấn như thế khiến tôi không dám về nhà dịp tết”, cô tâm sự.
Điều mong chờ nhất của người lao động sau một năm làm việc là thưởng tết cuối năm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến nhiều công ty tuyên bố sẽ không thưởng hoặc thưởng rất thấp so với năm ngoái.
Nguyễn Thanh Mai (24 tuổi, Cà Mau) hiện làm trong công ty chuyên mảng thực phẩm cho biết, hằng năm cô được công ty thưởng tết hậu hĩnh hơn 5 tháng lương. Nhờ đó, cô có thể sắm sửa quà tết, tiền biếu ông bà, lì xì bố mẹ, họ hàng.
Còn năm nay, công ty không hứa hẹn có thưởng tết, điều này khiến Mai cùng đồng nghiệp "đứng ngồi không yên". "Tôi sẽ không thể mừng thọ ông bà, lì xì các cháu nhỏ hay mua sắm đồ đạc mới trong nhà như những năm trước”, Mai nói.
Làm trong ngành thực phẩm, khá “đắt hàng” mùa dịch nhưng công ty của Mai vẫn không hứa hẹn về chuyện thưởng tết |
T.Mai |
Sợ không như gia đình kỳ vọng
Làm freelancer (công việc tự do) chuyên về mảng quay phim, dựng hình, Phạm Hồng Quân (24 tuổi, Long An) cũng lưỡng lự khi về quê.
Trước khi dịch bùng phát, Quân làm trong ngành sáng tạo nội dung trên Youtube cho một công ty nước ngoài ở TP.HCM. Khi dịch bùng phát, anh không thể đi lại để quay clip, lấy tư liệu dựng hình, càng không thể làm trực tuyến nên công ty cắt giảm nhân sự. Thế là, anh loay hoay tìm thêm công việc liên quan, chấp nhận làm freelancer suốt 6 tháng qua và thu nhập cũng giảm một nửa so với trước kia.
Bố mẹ cũng nhiều lần giục Quân về quê tìm việc làm. Tuy nhiên, quê nhà chỉ tập trung nhiều khu công nghiệp, không phù hợp với mục tiêu phát triển của anh.
"Tôi đang làm tự do nên thưởng tết thì không có, thu nhập tính bằng sản phẩm, làm nhiều có nhiều, ít thì dùng ít. Công việc của tôi chỉ phát triển mạnh ở TP.HCM nhưng bố mẹ muốn tôi về quê để làm việc khiến tôi khá căng thẳng", Quân chia sẻ.
Áp lực từ phía gia đình khiến anh ngại gặp mặt trực tiếp bố mẹ, sợ làm gia đình buồn lòng khi không thể nghe theo mong đợi của họ. Từ đó, chàng trai trẻ cũng phân vân về chuyện về quê đón tết năm nay.
Dịch kéo đến, công ty cắt giảm nhân sự khiến Quân ngậm ngùi chia tay công ty cũ |
H.Quân |
Còn Mai thì may mắn hơn khi lương vừa về lại con số ban đầu sau 3 tháng giảm sâu vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tiền tiết kiệm một năm nay không được bao nhiêu, giá cả quà tết lại cao chóng mặt khiến cô lo sợ không thể mua nhiều quà cáp về cho gia đình như mọi năm.
Bình luận (0)