Thu nước từ sương mù

13/09/2013 03:00 GMT+7

Nhu cầu về nước tại các vùng đất khô cằn trên thế giới luôn là mối băn khoăn đối với các nhà nghiên cứu. Giờ đây, với công nghệ thu sương mù đơn giản, nguồn nước dồi dào và rẻ tiền thay thế cho nước mưa sẽ là giải pháp cho tình trạng khan hiếm nước này.

Thu nước từ sương mù

Trong nhiều năm qua, các quốc gia có nguồn nước uống hạn chế như Chile, Peru và Mexico đã thử nghiệm một số hình thức thu gom sương mù. Giờ đây, các nhà nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts và đồng nghiệp tại Chile đã lần đầu tiên phát triển một nghiên cứu có hệ thống nhằm tối ưu hóa hiệu quả của việc thu nước từ sương mù. Phát hiện của họ đã được công bố trên tạp chí Langmuir tháng trước.

Dụng cụ thu sương mù gồm một tấm lưới nhựa được dựng lên trên hai cái cọc. Khi sương thổi qua mắt lưới, các giọt nước được giữ lại trên sợi lưới và sau đó theo ống dẫn chảy vào bình thu bên dưới. Hệ thống này hoạt động rất tốt, nhưng hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào loại mắt lưới được sử dụng.

Nhóm nghiên cứu đã đo sự thay đổi lượng nước dựa trên những thay đổi độ dày sợi lưới, kích thước mắt lưới và lớp phủ của sợi lưới. Họ nhận thấy rằng giảm thiểu cả độ lớn mắt lưới và kích thước sợi lưới làm tăng lượng nước đáng kể; trong khi độ dày sợi lưới phù hợp là khoảng ba lần bề rộng sợi tóc người. Nếu sợi lưới có kích thước mỏng hơn, có thể thu được nhiều nước hơn nhưng thiết bị sẽ không bền.

Trang Gizmag dẫn lời ông Gareth McKinley, kỹ sư của MIT: “Vật liệu này đã được sử dụng, sẵn có, bền và ít tốn kém. Cần phải có một nghiên cứu có hệ thống để chỉ ra hiệu quả của việc này bằng cách kết hợp động lực học chất lỏng và hóa học bề mặt để tối ưu hiệu quả thu gom sương”.

Các phương pháp cải tiến có thể làm tăng lượng nước thu được từ vài lít hiện tại trên mỗi mét vuông lưới lên đến hơn 12 lít mỗi ngày.  Công suất này có khả năng đáp ứng nhu cầu nước của vùng nông thôn rộng lớn, khô cằn tại Chile - nơi sự tiếp cận của người dân với điện và nước uống rất hạn chế.

Nước từ sương mù khá an toàn và tinh khiết nếu uống trực tiếp trên bầu trời vì khi nước bốc hơi lên trời, các chất ô nhiễm đều bị giữ lại mặt đất. Tuy có thể vẫn còn các chất ô nhiễm trong các giọt sương, nhưng khi nghiên cứu lượng nước thu thập được tại Chile, các nhà khoa học đã không phát hiện nồng độ chất có thể gây nguy hiểm trong nước. Song, theo ông Peter Weiss - giáo sư về độc chất môi trường tại Đại học California (Mỹ), đối với việc thu nước từ sương, các chất ô nhiễm có thể là một mối lo ngại tại các khu vực công nghiệp hóa và trong tình trạng thiếu nước như vùng trung tâm California, với mức độ thuốc trừ sâu và chất thải nông nghiệp cao trong không khí.

Kế hoạch kế tiếp của nhóm nghiên cứu là triển khai thiết kế mới này tại Chile để xác định độ bền và hiệu quả của mô hình này trên thực địa, với hy vọng có thể giúp được người dân địa phương ứng dụng các thiết bị này trên quy mô lớn hơn.

Phương Tú - Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.