Thế nhưng thực tế triển khai rất chậm.
Theo TCĐB, giai đoạn 1 dự án thu phí tự động không dừng (ETC) cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên là 44 trạm/605 làn thu phí. Nhưng tới cuối tháng 1.2019 mới chỉ lắp đặt được 29 trạm/109 làn, trong đó đã vận hành được 27 trạm/101 làn, đang vận hành thử nghiệm 8 làn, vẫn còn phải lắp đặt 496 làn.
tin liên quan
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Bị cướp mới... lộ tiền thu phíVề việc tại sao không có chế tài xử lý các nhà đầu tư BOT cố tình trì hoãn triển khai ETC, theo ông Toàn, rất khó xử lý do nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai ETC chậm trễ là năng lực nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC (VETC - đơn vị thành viên của Tasco) chưa đáp ứng được. Hiện tại TCĐB đang phát hành hồ sơ mời thầu để lựa chọn thêm nhà cung cấp dịch vụ khác ngoài VETC (có 4 doanh nghiệp sẽ tham gia đấu thầu). Dự kiến tháng 4.2019 sẽ có nhà cung cấp dịch vụ mới, tạo ra sự cạnh tranh và cơ sở để xử lý nhà cung cấp dịch vụ triển khai đề án và nhà đầu tư BOT chậm trễ thực hiện.
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) lý giải, đơn vị này mới áp dụng thu phí tự động không dừng công nghệ OBU theo hiệp định vay vốn với Nhật tại dự án Long Thành - Dầu Giây. “Chủ phương tiện phải mua 1 thiết bị OBU giá hơn 100 USD, phức tạp nên không khuyến khích được người sử dụng. VEC đã báo cáo Bộ GTVT và JICA, được đồng thuận nếu không hiệu quả thì không triển khai tiếp mà áp dụng công nghệ khác”, lãnh đạo VEC cho hay.
tin liên quan
Không kiểm soát được thu phí BOTKhông chỉ nhà đầu tư BOT tìm mọi cách trì hoãn triển khai ETC, bản thân người dân cũng không mặn mà với việc dán thẻ E-tag để sử dụng. Tới nay, theo ông Tô Nam Toàn, mới chỉ 680.000 ô tô (trên tổng số 3,2 triệu xe) dán thẻ E-tag. Trong khi hiện tại chưa có cơ sở pháp lý để bắt buộc chủ phương tiện phải dán thẻ E-tag. “Để người dân mặn mà với sử dụng ETC, phải nâng cao dịch vụ, tạo tiện ích thực sự. Các nước không bắt buộc dán thẻ mà đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích sử dụng, như Thái Lan khuyến mãi lái xe dán thẻ E-tag được giảm 5%, Nga thậm chí giảm 30% so với trả tiền mặt, nhưng VETC nói họ đang lỗ nên không khuyến mãi được”, ông Toàn nói.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, không thể tiếp tục nhùng nhằng, kéo dài việc thu phí tự động. “Phải thực hiện cưỡng bức việc triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên cả nước, đưa vào thành luật. Chi phí thực hiện dù bao nhiêu cũng phải làm vì nó không đáng là bao so với số tiền nhà nước, xã hội, nhân dân chịu thiệt từ 1 tháng, 1 năm gian lận của các trạm thu phí. Không thể kéo dài mãi tình trạng ông nào cũng kêu nhưng không ông nào chịu thiệt vì lợi ích chung. Quy định càng chậm trễ, cơ chế càng lỏng lẻo thì lòng tin của người dân càng suy giảm”, ông Thiên nhấn mạnh.
Có thể tích hợp thẻ ngân hàng với tài khoản giao thông
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Phía Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được văn bản chính thức về đề xuất kết nối thẻ ngân hàng với thẻ sử dụng trong thu phí không dừng. Song, về mặt lý thuyết công nghệ, hạ tầng thanh toán thì không có vướng mắc gì.
Ở nhiều quốc gia, các trạm thu phí không dừng sử dụng công nghệ nhận dạng biển số xe, thanh toán như thuê bao di động trả sau... Riêng việc tích hợp thẻ tín dụng với thẻ thu phí hiện vẫn chưa thể làm được vì còn liên quan đến thời gian mở barie, khi kết nối, thanh toán qua thẻ tín dụng không thể nhanh bằng việc dùng tài khoản giao thông (một dạng ví điện tử) thanh toán trước.
Tuy nhiên, hiện các ngân hàng đang nghiên cứu để có thể áp dụng hình thức này.
Anh Vũ
|
Bình luận (0)