Thu phí ưu tiên check-in, các hãng có đang 'vẽ dịch vụ' để tận thu?

21/07/2022 09:32 GMT+7

Chiều qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng triển khai dịch vụ ưu tiên làm thủ tục hàng không tại sân bay.

Tăng giá vé trái quy định?

Theo Cục Hàng không, dịch vụ làm thủ tục check-in thuộc dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất được quy định tại Nghị định 92/2016 của Chính phủ và Thông tư 29/2021 của Bộ GTVT. Trường hợp có sự thay đổi trong quy trình cung cấp dịch vụ hàng không, các hãng hàng không, các công ty cung cấp dịch vụ hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trước khi triển khai thực hiện.

Việc thực hiện dịch vụ ưu tiên check-in có thu phí tại các quầy thủ tục hạng giá vé cao có thể làm giảm chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng tới quyền lợi của hành khách. Do đó, việc áp dụng dịch vụ ưu tiên làm thủ tục check-in có thu phí thời điểm này của một số hãng hàng không là chưa hợp lý, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Cục Hàng không 'tuýt còi' dịch vụ thu phí check-in ưu tiên tại sân bay

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá dịch vụ ưu tiên này là một cách biến tướng để tăng giá vé trái quy định. Cụ thể, hàng không hiện vẫn là ngành mà nhà nước phải quy định giá trần vì có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh. Mọi dịch vụ đối với giá cước vé máy bay đều đã được quy định gồm những khoản giá, phí ra sao và bất kỳ chi phí tăng lên nào của giá cước cũng đều phải thông qua cơ quan chức năng.

"Giai đoạn vừa qua, trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, các hãng hàng không thua lỗ nên muốn xin thêm phụ phí xăng dầu và đã bị Cục Hàng không bác bỏ do sợ ảnh hưởng đến giá cả chung của thị trường. Như vậy có thể thấy dịch vụ ưu tiên check-in cũng là một loại phụ phí và đáng ra các hãng phải xin phép Cục Hàng không theo đúng quy định trước khi triển khai" - ông Long dẫn chứng.

Cũng theo vị này, dịch vụ check-in ưu tiên không chỉ đẩy giá vé cuối cùng lên cao mà còn kéo theo nhiều hệ lụy. Trước đây, nhân viên hãng hàng không thường tìm kiếm những khách hàng cuối cùng trên chuyến bay chưa kịp làm check-in để ưu tiên làm thủ tục trước nhưng vì có dịch vụ này, nhân viên sẽ chào mời, đòi hỏi hành khách phải mua dịch vụ mới được hưởng sự ưu tiên. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi, gây bức xúc cho khách hàng.

"Thay vì vẽ thêm dịch vụ để thu phí, tại sao các hãng không nâng cao năng lực khai thác bằng cách đẩy mạnh dịch vụ check-in online? Nếu hầu hết các khách hàng đều được check-in online thì sẽ không phải xếp hàng chờ đợi làm thủ tục tại sân bay và cũng sẽ không phải mất thêm phí để được ưu tiên" - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt vấn đề.

Việc "ưu tiên làm thủ tục nhanh nhất" chỉ được áp dụng tại quầy check-in và cửa khởi hành của hãng

H.M

Không trái luật nhưng phải xem lại "đạo đức kinh doanh"

Với quan điểm ngược lại, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định việc các hãng triển khai dịch vụ ưu tiên làm thủ tục tại sân bay không trái luật và Cục Hàng không yêu cầu các hãng ngưng cung cấp dịch vụ này là không hợp lý.

Theo ông Ánh, hiện nay hầu hết các sân bay đều thường xuyên ùn tắc, lượng người chờ đợi, xếp hàng rất đông. Một số người phát sinh nhu cầu được làm thủ tục nhanh, không phải xếp hàng chờ đợi nên dịch vụ này thực chất ra đời để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách hàng.

Bên cạnh đó, hành khách của hãng mua dịch vụ chỉ được ưu tiên làm thủ tục tại quầy check-in và tại cửa khởi hành của hãng, không được ưu tiên tại khu vực an ninh kiểm soát, soi chiếu, không liên quan tới phần hạ tầng thuộc quản lý của Cảng. Đây chỉ là một loại dịch vụ giá trị gia tăng và luật hiện nay không cấm. Doanh nghiệp có nhiều cách để đa dạng dịch vụ, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Tuy nhiên, ông Vũ Đình Ánh cho rằng ngoài vấn đề lợi nhuận, các hãng bay cần đề cao vấn đề "đạo đức kinh doanh". Khách hàng phải trả thêm phí nhưng chỉ được hưởng ưu tiên rất nhỏ mà đáng ra đây là quyền lợi khách nghiễm nhiên phải được hưởng. Ngoài ra, còn thể hiện sự phân biệt đối xử giữa các khách hàng của hãng.

"Trong trường hợp này, Cục Hàng không không thể yêu cầu các hãng dừng triển khai dịch vụ nhưng nên ngồi lại, bàn bạc với doanh nghiệp xem dịch vụ này có đáng để triển khai hay không, có phù hợp trong bối cảnh hiện nay hay không... Dịch vụ gia tăng không phải thay thế. Các dịch vụ như ưu tiên khách hàng cuối vẫn phải duy trì. Không nên chỉ vì 100.000 đồng/khách mà đánh mất uy tín của hãng bay" - vị này nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.