'Thủ phủ' cá ông Công, ông Táo ở xứ Thanh nhộn nhịp vào vụ

26/01/2019 16:51 GMT+7

Đến hẹn lại lên, gần đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, thương lái nhiều tỉnh thành lại hối hả đổ về xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) để mua cá chép đỏ bán cho người dân cúng ông Công , ông Táo.

Khác với năm ngoái, năm nay nghề nuối cá ông Công, ông Táo ở xã Quảng Tân trúng đậm. Cá vừa được cả về số lượng, chất lượng và giá cả khiến người dân hết sức vui mừng.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, ngày 26.1 (tức 21 tháng Chạp âm lịch), từ đầu đường vào trung tâm các thôn Tân Cổ, Tân Hậu của xã Quảng Tân, biển giao bán cá cúng ông Công, ông Táo treo khắp hai bên đường, trước cửa từng nhà và kèm theo số điện thoại để người mua tiện liên lạc. Bên trong mỗi gia đình ở đây, cứ mỗi nhà có 3-5 người tất bật dùng lưới, máy bơm hút nước để bắt cá dưới ao.
Thời tiết thuận lợi nên năm nay người nuôi cá trúng đậm Ảnh Minh Hải
Ở đây, hầu như nhà nào cũng nuôi cá. Nhà ít thì 1-2 ao, mỗi ao rộng chừng 500 m2, nhà nhiều nuôi 5-7 ao. Nghề nuôi cá chép đỏ làm vật cúng ông Công, ông Táo đã trở thành nghề truyền thống, có từ hơn 20 năm trước ở xã Quảng Tấn. Ban đầu nghề xuất phát từ các hộ dân ở thôn Tân Cổ, nay đã nhân rộng ra nhiều thôn lân cận trong xã.
Đầu đường vào "thủ phủ" nuôi cá ông Công, ông Táo biển giao bán cá treo rất nhiều Ảnh Minh Hải
Các hộ nuôi cá cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lên cá phát triển tốt, đạt số lượng và chất lượng cao. Giá cá năm nay tuy không tăng đột biến, nhưng cũng đang được bán ở mức 100.000 – 120.000 đồng/kg (loại 50-70 con/kg), là mức giá cho lời cao đối với người nuôi cá.
Người dân hồ hởi kéo lưới bắt cá Ảnh Minh Hải
Bà Nguyễn Thị Minh (46 tuổi, ngụ tại thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân) cho biết, năm nay gia đình bà thu được ở 2 ao nuôi khoảng hơn 1 tấn. “Với giá như hiện tại, trừ chi phí, năm nay gia đình tôi thu lời gần 100 triệu. Nghề nuôi cá ông Công, ông Táo chỉ khó khăn và vất vả khi mới bắt đầu học nuôi, nhưng sau nhiều năm kinh nghiệm thì việc nuôi cá này chúng tôi thấy rất bình thường, lại cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa, nên ngày càng nhiều hộ nuôi cá” – bà Minh nói.
Nuôi cá chép đỏ đã trở thành nghề truyền thống của người dân ở thôn tân Cổ, xã Quảng Tân Ảnh Minh Hải
Cá ông Công, ông Táo ở Quảng Tân không chỉ bán trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mà nhiều thương lái từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội... cũng về đây để lấy hàng đi bán. Điểm làm nên thương hiệu cá Quảng Tân và được nhiều nơi ưa chuộng là cá có màu sắc đẹp và khỏe, khi vận chuyển đi xa tỉ lệ hao hụt rất thấp nên thu hút thương lái nhiều nơi về mua cá.
Người dân vây cá lại thành từng ô chờ thương lái đến mua Ảnh Minh Hải
Anh Lê Văn Đại (35 tuổi, ngụ tại thôn Tân Hậu, xã Quảng Tân) cho biết, kinh tế gia đình anh nhiều năm nay phụ thuộc vào nghề nuôi cá ông Công, ông Táo, vì vậy, năm vừa qua vợ chồng anh đã vay mượn tiền ngân hàng, đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây bờ ao bằng bê tông.
“Trước đây gia đình tôi trồng lúa cũng chỉ đủ ăn. Sau khi lập gia đình, nhận thấy nghề nuôi cá ông Công, ông Táo cho lợi nhuận cao nên tôi đã vay mượn ngân hàng đầu tư các ao nuôi kiên cố. Nói là nuôi thời vụ, nhưng cá ông Công, ông Táo lại là thu nhập chính của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác ở đây. Năm nay, trừ chi phí đi cũng lời được khoảng 70 triệu đồng” - anh Đại nói.
Cá nuôi ở đây được đánh giá là đẹp, khỏe nên thu hút thương lái nhiều tỉnh thành về thu mua Ảnh Minh Hải
Theo thống kê của UBND xã Quảng Tân, toàn xã hiện có hơn 150 hộ nuôi cá ông Công, ông Táo. Mỗi năm, số tiền thu về từ bán cá ông Công, ông Táo là khoảng 10 tỉ đồng, qua đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện cho con cái ăn học.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.