Trong khi đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định thu tiền tác quyền “dựa trên cơ sở hướng dẫn của Nghị định 61/2002/NĐ-CP”, thì nhiều ý kiến cho rằng nên thay đổi cách tính để hợp lý hơn.
>> Ông giám đốc đi... “đòi nợ” tác quyền
|
Không thông qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tự trả tiền tác quyền cho tác giả bài hát trong nhiều chương trình. “Nhà hát tổ chức ba đêm nhạc Trịnh Công Sơn, gửi gia đình nhạc sĩ 54 triệu đồng và được sự đồng ý, tức là khoảng hơn 600.000 đồng/bài. Đến chương trình của nhạc sĩ Phạm Duy, nhà hát gửi trả Phương Nam Film - đơn vị giữ bản quyền các tác phẩm của ông khoảng hơn 700.000 đồng/bài”, NSND Trần Bình kể. Theo ông, với việc trả tiền tác quyền như vậy mà nhiều chương trình, chẳng hạn như đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang có 20 bài hát nhưng VCPMC yêu cầu thu 88 triệu đồng là không thể chấp nhận. Còn đại diện VCPMC khẳng định, biểu giá thu tác quyền không hề được đưa ra một cách tùy tiện mà dựa theo Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút.
Trưng cả... va li vé ế để được giảm tiền tác quyền
|
Theo nghị định, ở mục tác phẩm sử dụng dưới hình thức nghệ thuật biểu diễn được tính theo tỷ lệ phần trăm doanh thu buổi diễn: “Đối với tác phẩm âm nhạc, bên sử dụng tác phẩm trích từ 15 - 21% doanh thu buổi diễn để trả nhuận bút cho biên kịch, nhạc sĩ, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, họa sĩ theo thỏa thuận trong hợp đồng”. Và VCPMC đã dựa vào đây để tự đưa ra biểu giá của mình: 5% x 75% số ghế x giá vé bình quân. “Căn cứ vào doanh thu, có những chương trình biểu diễn không bán vé, không kinh doanh, chúng tôi chỉ thu khoảng 500.000 đồng/bài”, VCPMC lý giải vì sao có chuyện cùng một bài hát mà chương trình này thu vài trăm nghìn, chương trình khác thu lại hàng triệu đồng.
Như vậy, giá vé càng cao thì tiền tác quyền càng lớn. Bởi vậy, trong cuộc thương thảo trước chương trình Khánh Ly vừa qua ở Hà Nội, nhà tổ chức phải trưng ra một… va li vé chưa bán được, VCPMC mới đồng ý “xuống nước”. “Chúng tôi đã tính trừ đi 25% có thể là vé ế, hoặc vé mời. Đã kinh doanh thì phải tính toán đầu vào có lỗ, có lãi. Khi trời đẹp, các anh nâng giá vé chẳng hạn từ 3 lên 6 triệu đồng, có ai đòi tiền các anh hơn đâu”, đại diện VCPMC nói.
“Nếu cứ dựa vào giá vé để tính thì rất lập lờ”
Trước lý giải của VCPMC, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nói: “Nếu chương trình lãi 6 tỉ đồng mà trả tiền tác quyền 200 triệu đồng là hợp lý, nhưng thực tế làm gì có chương trình nào lãi như vậy. Tôi đã tham gia thực hiện chương trình ca sĩ Bằng Kiều nên tôi hiểu nhiều chương trình có giá vé cao là do nhiều yếu tố, chẳng hạn chi phí sản xuất lớn. Có chương trình đầu tư ít nhưng lãi nhiều. Nếu mà cứ dựa vào giá vé để tính thì rất lập lờ, kiểu nửa nạc nửa mỡ. Theo tôi biết, họ (VCPMC) chỉ thu được nhiều tiền của một số đơn vị tổ chức làm việc tử tế, còn nhiều chương trình cũng diễn ra ở trung tâm hội nghị quốc gia, bán vé giá cao, mà chỉ thu được có 20 - 30 triệu đồng thôi. Thu là như vậy còn khi trả cho nhạc sĩ được bao nhiêu? Chúng ta phải có luật cụ thể, trước hết là quy định đầy đủ chức năng của trung tâm, kiểm toán hằng năm, tất cả phải rành mạch, chứ cứ thế này thì rất nhập nhẹm, đánh bùn sang ao hết”.
Bên cạnh đó, VCPMC khẳng định nhạc sĩ Phú Quang nói nhận được khoảng 170.000 đồng/bài trong khi thu chương trình của ông tới 4 triệu đồng/bài là không đúng (Thanh Niên ngày 5.8). Vị đại diện lý giải: “Nếu chúng tôi thu 1 triệu đồng thì phải trả chi phí cho nhà thơ là 30%, 10% thuế, 20% đi đòi tiền, còn lại là trả cho nhạc sĩ, như vậy nếu thu 1 triệu, nhạc sĩ sẽ nhận được khoảng 400.000 - 500.000 đồng”.
“Theo tôi được biết, tại Singapore, người ta thu tác quyền với giá rất hợp lý, tính ra mỗi bài chỉ khoảng 10 SGD. Nếu đơn vị tổ chức bị phát hiện chưa nộp bị phạt rất nặng tới hàng trăm ngàn SGD, thậm chí sập tiệm luôn. Chúng ta nên tính lại biểu giá một cách hợp lý để việc nộp tiền tác quyền là việc tự nguyện, chứ theo kiểu mềm nắn rắn buông thế này tạo ra nhiều cái không tốt”, NSND Trần Bình.
Ca khúc mới hay lâu năm đều thu như nhau Hiện tại các ca khúc ra đời đã 50 năm, ca khúc mà nhạc sĩ sáng tác đã qua đời (chưa đến 50 năm) hay ca khúc vừa sáng tác đều được tính chung một giá. Đại diện VCPMC nói rõ: “Theo quy định, chúng tôi bảo hộ ca khúc trong vòng 50 năm kể từ ngày tác giả qua đời. Ca khúc vừa sáng tác hay ca khúc mà tác giả mất đã 49 năm 11 tháng thì mức tính vẫn như nhau”. |
Ngọc An
>> Quyền tác giả trong giao lưu văn hóa
>> Gian nan đòi quyền tác giả
>> Công khai vi phạm quyền tác giả
>> Vi phạm quyền tác giả trầm trọng ở nhiều lĩnh vực
Bình luận (0)