Thời gian hội nghị 5 ngày chắc chắn không đủ giải quyết bất hòa và hiềm khích, thù địch và nghi kỵ dai dẳng nhiều thập niên qua giữa chính quyền trung ương và gần 100 dân tộc thiểu số ở Myanmar. Tuy nhiên, đây sẽ là sự khởi đầu tích cực và cần thiết.
Bà Aung San Suu Kyi đi nước cờ cao nhưng đầy mạo hiểm với việc tổ chức hội nghị này. Nếu thành công thì bà sẽ mở ra một thời kỳ lịch sử mới cho đất nước. Nếu thất bại thì không chỉ thể diện, uy tín cá nhân mà còn cả vị thế quyền lực của bà Aung San Suu Kyi lẫn NLD bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rủi ro lớn chứ không nhỏ bởi bản chất vấn đề quá phức tạp và nhạy cảm trong khi tất cả các bên đều phải lưu ý đến thái độ của giới quân sự. Các dân tộc thiểu số vẫn chưa tin vào thiện chí của chính quyền. Xem ra, bà Aung San Suu Kyi chấp nhận mọi rủi ro vì 3 nguyên cớ chính.
Thứ nhất, phải hòa bình, hòa hợp và hòa giải dân tộc thì Myanmar mới có thể phát triển và hội nhập thành công được. Thứ hai, hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc là việc mà giới quân sự đã không làm được nên sẽ rất có lợi cho chính phủ nếu thành công. Thứ ba, không có hòa bình và yên ổn trong khắp cả nước thì không thể có ổn định và chính phủ không thể nắm quyền một cách vững chắc.
Bình luận (0)