Thu tiền tỉ từ lá

Mạnh Cường
Mạnh Cường
23/12/2022 06:00 GMT+7

Qua bàn tay khéo léo của một nữ giáo viên ở tỉnh Quảng Nam, những chiếc lá đã được “biến tấu” thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Và thật kỳ diệu, khi chính “cuộc chơi cùng lá” đã giúp nữ giáo viên trẻ thu về tiền tỉ mỗi năm.

“Nghệ sĩ… lá”

Tìm đến xã Đại Đồng (H.Đại Lộc, Quảng Nam), chúng tôi bắt gặp chị Nguyễn Như Sinh (33 tuổi, giáo viên âm nhạc Trường THCS Phù Đổng) đang mải mê chải chuốt từng chiếc lá bồ đề đã ngâm được hơn 1 tháng, để hoàn thành dự án nghệ thuật theo đơn hàng của khách. Những chiếc lá này, sau công đoạn ủ nước, đã trở nên trong vắt với đường gân lạ mắt.

Chị Sinh thu tiền tỉ mỗi năm qua các tác phẩm làm từ lá

Mạnh Cường

Với những động tác liên tục, dứt khoát của chị Sinh, chỉ trong chốc lát, những vết ố vàng đã được tẩy khỏi chiếc lá, để lại đường gân khô trông khá đẹp mắt. “Chà gân lá là công đoạn khó nhất. Bởi nếu không tỉ mỉ, chỉ cần sơ suất một chút là chiếc lá đang cầm trên tay sẽ hỏng ngay và công sức ban đầu coi như bỏ. Nghề tạo lá này, ngoài đam mê, cần thêm sự khéo léo của chính người tạo hình, với những ý tưởng sáng tạo làm nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo”, chị Sinh nói.

Bị cuốn theo câu chuyện của chị Sinh nên khi tác phẩm hoàn tất, chúng tôi cũng bất ngờ bởi sự độc đáo và hoàn hảo. Nhưng điều độc đáo hơn nữa là người đang tạo ra sản phẩm nghệ thuật đó, hoàn toàn “ngoại đạo”. Bởi chị Sinh vốn là dân… âm nhạc.

Theo chị Sinh, nghệ thuật tạo hình cùng những chiếc lá đến với chị cũng khá bất ngờ. Đó là khi còn học lớp 9, sau giờ học ở trường, những lúc rảnh rỗi ở nhà chị tập tành thiết kế những tấm thiệp chúc mừng được làm bằng những chiếc lá, cỏ khô để tặng bạn bè. Nhận được những phần quà, ai cũng tấm tắc khen ngợi, tạo nên động lực giúp chị nhen nhóm ước mơ sống cùng nghệ thuật.

Anh Huỳnh Thế Toàn, Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc, đánh giá mô hình khởi nghiệp với lá bồ đề của chị Nguyễn Như Sinh là mới mẻ, sáng tạo và giàu tính nhân văn trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trên địa bàn huyện. Trong thời gian qua, Huyện đoàn đã luôn đồng hành, có nhiều hỗ trợ để mô hình triển khai hiệu quả, đạt nhiều thành tựu. Hiện phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp đã và đang diễn ra rất sôi nổi, thiết thực đối với thanh niên tại địa phương. “Thời gian tới Huyện đoàn sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp”, anh Toàn nói.

Nhưng khi chị bước vào giảng đường Học viện Âm nhạc Huế (ĐH Huế), niềm đam mê sáng tạo từ lá cây đành tạm gác. Ra trường, được nhận vào dạy âm nhạc tại Trường THCS Phù Đổng (H.Đại Lộc), mải mê với công việc khiến chị Sinh cũng dần quên đi niềm đam mê nghệ thuật của mình.

“Nghề chọn người”, câu nói này luôn đúng khi một lần nữ giáo viên bén duyên với nghệ thuật tạo hình lá cây. Đó là vào năm 2017, trong một lần đến chùa, khi đang ngồi dưới gốc cây bồ đề, chị Sinh tình cờ thấy những chiếc lá rụng giữa sân đang phân hủy, một số lá thấy được rõ gân trắng. Chính những đường gân ấy đã giúp chị bật ra ý tưởng làm tác phẩm từ những lá cây này.

Một số sản phẩm được tạo ra từ lá

Chị Sinh lên mạng tìm tòi, học cách chế tạo để tự làm ra những bức tranh lá, thổi hồn vào đó một cách sống động. Nhưng để làm ra những bức tranh nghệ thuật với một cô giáo âm nhạc là điều không hề dễ dàng. Thời gian đầu chị gặp rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng niềm đam mê vụt tắt. Nhưng nhờ nghị lực và niềm đam mê thuở bé đã giúp nữ giáo viên dần hoàn thiện tác phẩm đầu tay, tiếp nối ước mơ trở thành “nghệ sĩ... lá” như bây giờ.

Thu nhập bất ngờ

Những chiếc lá chị Sinh dùng để tạo hình thường là lá bồ đề, lá bàng hay bằng lăng vì đây là những loại lá có gân. Việc chọn lá cũng lắm công phu. Theo chị, cây được chọn cần mọc ở những nơi đất khô cằn, như vậy gân mới chắc, lá cũng phải già, tốt nhất là lá đã rụng dưới gốc cây. Lá cây sau khi hái về được rửa sạch và ngâm vào bể khoảng 1 tháng cùng với sinh phẩm, giúp chất diệp lục trên lá thối rữa. Tiếp đến, dùng bàn chải để chà gân lá. Cuối cùng, là công đoạn nhuộm màu, phơi khô, lắp ghép thành sản phẩm nghệ thuật.

Dù đã nhiều năm làm nghề, nhưng để tạo ra một bức tranh theo yêu cầu của khách, chị Sinh phải bỏ công sức hàng giờ đồng hồ, thậm chí là vài ngày hoặc cả tuần mới hoàn thiện. “Công việc tạo hình cùng lá của tôi chủ yếu vào ban đêm, sau giờ giảng dạy trên lớp. Hầu hết tôi phải tranh thủ thời gian rảnh để hoàn thành những dự án mới theo đơn đặt hàng của khách. Với nghề này, mỗi sản phẩm làm ra là một sự sáng tạo “độc bản”. Bởi vậy, khi nhận đơn của khách, lúc nào mình cũng vắt óc suy nghĩ nên đặt lá khô gì, ở đâu, vị trí nào cho hợp lý nên đôi lúc cũng áp lực”, chị Sinh tâm sự.

Cho đến bây giờ, chị Sinh vẫn không thể ngờ, sau tháng năm miệt mài với đam mê, cuối cùng nghề tạo hình từ lá đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Mỗi tháng chị bán chừng 150 bức tranh nghệ thuật lớn nhỏ, mỗi tác phẩm có giá từ 200.000 - 1 triệu đồng. Nghề “chơi với lá” giúp chị Sinh thu về hơn 100 triệu đồng/tháng.

Vài năm trở lại đây, để thuận lợi cho công việc làm tranh lá, chị Sinh tiếp nhận 3 nhân công làm việc cho cơ sở của mình. Họ là những người khuyết tật ở địa phương, được chính chị Sinh tuyển chọn làm việc chà gân lá, nhuộm màu và phơi khô, với thù lao 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Chị Sinh mong muốn truyền lại nghề độc đáo này cho người khuyết tật, giúp họ có công ăn việc làm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Chị Sinh cho biết sẽ hướng đến sáng tạo ra những bức tranh khổ lớn với nhiều nội dung khác nhau nhằm đa dạng sản phẩm nghệ thuật, mang màu sắc riêng biệt. Hơn thế nữa, chị có kế hoạch mở một cửa hàng về sản phẩm lá khô và truyền dạy nghề cho nhiều người khuyết tật hơn nữa.

Dự án “Lá khô handmade” của cô giáo trẻ đã lọt vào top 20 dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2022; giải nhì cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung - Tây nguyên” và cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.