Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ ra điểm yếu lớn nhất trong tuyển sinh năm 2023

Hà Ánh
Hà Ánh
27/08/2023 06:09 GMT+7

'Có lẽ điểm yếu lớn nhất trong kỳ tuyển sinh năm 2023, là giữa các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng nhất định…'

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nêu trong Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục ĐH, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chiều 26.8. 

Tại hội nghị, tuyển sinh là một trong những vấn đề được lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại diện các cơ sở đào tạo cùng quan tâm trao đổi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: ‘Giữa các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng’ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ trong hội nghị

VŨ QUỐC ĐOAN

Một tỷ lệ không nhỏ cơ sở đào tạo tuyển chưa đạt 50% chỉ tiêu

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết bên cạnh việc ghi nhận các kết quả đạt được, hội nghị tổng kết đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục của khối giáo dục ĐH trong năm học vừa qua.

Trong đó, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số cơ sở giáo dục ĐH chậm thực hiện việc kiện toàn bộ máy tổ chức, còn lúng túng trong việc xác định đúng và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường theo quy định của luật Giáo dục ĐH, gây cản trở tới các hoạt động đào tạo.

Vụ Trưởng Vụ Giáo dục đại học: “Gần 70% thí sinh trúng tuyển đại học sớm là ảo”

Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo chưa thực hiện đúng các quy định trong việc bảo đảm các điều kiện mở ngành, điều kiện hoạt động của ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, liên kết đào tạo (trong và ngoài nước). Đặc biệt, ông Sơn nhấn mạnh: "Một số cơ sở đào tạo sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh với mục đích tăng khả năng tuyển được, chủ động thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng và sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Một tỷ lệ không nhỏ cơ sở đào tạo tuyển chưa đạt 50% chỉ tiêu".

Ông Sơn cũng cho rằng, nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo trọng điểm, thiết yếu khó thu hút sinh viên. Việc triển khai đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, đào tạo tiến sĩ cho giảng viên theo Đề án 89 còn gặp khó khăn ở nhiều khâu, cả từ giao chỉ tiêu, thực hiện chỉ tiêu và cấp kinh phí, chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: ‘Giữa các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng’ - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị chiều 26.8

VŨ QUỐC ĐOAN

"Trúng tuyển sớm có lẽ là dễ dãi hơn…"

Thực tế trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, thể chế, chính sách liên quan tới giáo dục ĐH và các cơ sở giáo dục ĐH, giảng viên, khoa học công nghệ chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo và chủ trương tự chủ ĐH.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân được cho là cốt lõi chính là tư duy, nhận thức về giáo dục ĐH nói chung và tự chủ ĐH nói riêng còn chậm đổi mới. Năng lực quản trị ĐH, đặc biệt hiểu biết và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ĐH chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.

"Ngoài ra, nguồn lực cho giáo dục ĐH còn hạn hẹp, các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng không được đầu tư tương xứng".

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần triển khai trong năm học mới 2023-2024. Liên quan đến việc tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị, các cơ sở giáo dục ĐH cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024, chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường hợp tác trên một nền tảng chung.

Ngay từ bây giờ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường ĐH phải phân tích dữ liệu tuyển sinh 2 năm qua, cùng kết quả học tập của các em khi vào trường. Từ đó đánh giá việc đưa ra phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển đã phù hợp chưa, người học được tuyển chọn theo các phương thức khác nhau đó có đảm bảo công bằng chưa.

Ông Sơn nói: "Phải nói thật, có lẽ điểm yếu lớn nhất kỳ tuyển sinh năm 2023, là giữa các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng nhất định. Nhiều thí sinh được xác định trúng tuyển sớm, có lẽ là dễ dãi hơn việc trúng tuyển bằng các kỳ thi năng lực và kỳ tốt nghiệp THPT".

Ông Sơn đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH phải có đánh giá tương quan đầu vào và kết quả học tập để có kết quả thuyết phục. "Quy chế đã nói rất rõ rồi, các trường ĐH có trách nhiệm giải trình về việc đưa ra yêu cầu cho phương thức tuyển sinh", ông Sơn nhấn mạnh.

Chốt lại vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng quy chế tuyển sinh đã ban hành năm 2022, hiện sinh viên đã học hết năm thứ nhất. Do đó, đề nghị các trường sớm thực hiện đánh giá để hoàn thiện phương thức tuyển sinh cho năm 2024. Đồng thời, từng bước định hướng tuyển sinh năm 2025 cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 – theo hướng tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tăng cường hợp tác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.