Trong buổi họp ứng phó với bão số 6 (bão Trà Mi) chiều 25.10, đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cục cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết cơn bão này có đường đi bất thường khi đi vào ven bờ lại đi ra. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ cơn bão ChanChu đã gây thiệt hại rất lớn, đề nghị các địa phương quản lý tốt việc tàu thuyền ra khơi để ngư dân tránh chủ quan.
Ông Châu bày tỏ sự lo lắng khi cơn bão được dự báo sẽ gây mưa rất lớn gây lũ quét và sạt lở đất. Ông lấy ví dụ thời điểm mưa lũ sau bão số 3, Hà Giang có đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ flycam bay rà soát. Khi ấy, Bộ Quốc phòng đã điều 4 flycam và phát hiện ra 6 vết nứt.
"Chúng tôi đề nghị các địa phương, các đơn vị tham mưu chính quyền địa phương rà soát nguy cơ, chủ động rà soát vị trí xảy ra sạt lở. Ngoài ra, đề nghị kiểm đếm, kêu gọi nhân dân ở lồng bè về nơi tránh trú an toàn", ông Châu nói.
Bão Trà Mi (bão số 6) dự báo hướng đi 'dị thường' xuống phía Nam
Nguy cơ lụt lịch sử ở miền Trung do bão số 6
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ miền Trung trong năm nay, thời gian quần thảo trên biển rất lâu. Cạnh đó, khả năng gây ra lượng mưa lớn. Nếu mưa 500 - 700 mm ở miền Trung sẽ có nguy cơ gây ra kịch bản lụt như năm 2020.
"Chúng ta có thuận lợi hơn là lúc bão đổ bộ là lúc triều cường thấp, tác động của gió mùa đông bắc làm bão giảm cấp rất nhanh khi vào bờ, các hồ chứa ở mực nước đang thấp nên cũng cần tích nước trong dịp này", ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, ảnh hưởng của bão số 6 khả năng cao sẽ có sạt lở bờ biển, cát sỏi sẽ có dịch chuyển nên các tỉnh có nhiều bãi biển, du lịch lưu ý, phải tính toán ngay từ đầu và tuyên truyền đến người dân đầy đủ nhất có thể để người dân không chủ quan.
Cạnh đó, Bộ GTVT cần tiếp tục chỉ đạo cho các tàu thuyền di chuyển, neo đậu hợp lý để đảm bảo an toàn. Các địa phương nên có thời gian cấm biển dài hơn do dự báo bão vào bờ rồi lại quay ra.
"Miền Trung cũng là khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung với hơn 100.000 lồng bè, các địa phương cần thu hoạch bớt, cái nào di chuyển được thì di chuyển, cái nào đánh chìm được thì đánh chìm để tránh thiệt hại do bão. Mọi thứ phải xong trước chủ nhật với tinh thần xanh nhà hơn già đồng", ông Hiệp nói thêm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, từ kinh nghiệm bão số 3, người dân cần chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh trước bão, kê cao tài sản, chỗ đỗ ô tô tránh ngập úng. Về phòng chống sạt lở, cần chủ động trong di dân, hạn chế tối đa người chết, mất tích và chủ động trong rà soát các khu vực sạt lở. Đồng thời, các địa phương có thể sử dụng thiết bị bay không người lái (flycam) để rà soát, phát hiện các điểm sạt lở.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, để ứng phó với bão số 6, các địa phương cần lên phương án phòng chống với tinh thần không nuối tiếc. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 vừa rồi, chúng ta đã lo rất tốt cho vùng ven biển nhưng vùng núi lại bị ảnh hưởng nặng nề.
"Các tỉnh cần lên kịch bản trong mọi tình huống để chủ động ứng phó từ lương thực, thực phẩm đến nước uống. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị các phương án ứng phó của trực thăng bên phía quân đội, kích hoạt các cộng đồng phòng chống thiên tai", ông Hoan nói.
Bình luận (0)