Trong khuôn khổ hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam của Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 13.4, các bộ ngành đã đưa ra những giải pháp trực tiếp cho kiến nghị của các doanh nghiệp.
Với ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định "không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng".
Hiện nay, một năm có khoảng 150.000 - 170.000 tỉ đồng hoàn thuế, 80% trong đó Cục Thuế thực hiện "hoàn trước - kiểm sau". Riêng đối với ngành gỗ, từ năm 2022 đến nay, mức hoàn thuế là 17.400 tỉ đồng (chiếm 95%) và chỉ còn 5% cơ quan thuế đang kiểm tra hồ sơ thuế.
"Chúng tôi đồng tình, ủng hộ làm ăn chân chính và đấu tranh với doanh nghiệp gian lận. Vừa rồi chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Công an đấu tranh với một số doanh nghiệp gian lận khai khống đầu vào để giảm thuế xuất khẩu", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói và cho biết trong tuần tới bộ này sẽ tiếp tục họp với các doanh nghiệp đang có vướng mắc.
Liên quan kiến nghị giãn nợ thuế 6 - 12 tháng, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ Nghị định về giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế đất. Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt, nếu như được ban hành thì sẽ giải quyết được vấn đề giãn nợ thuế cho các doanh nghiệp.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong chính sách đầu tư, gỗ và thuỷ sản là 2 lĩnh vực luôn luôn được Nhà nước ưu đãi cao nhất, chính sách cao nhất và được hưởng các chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp chưa được các doanh nghiệp đề cập đến là vùng nguyên liệu còn manh mún, chưa đạt quy mô và sản phẩm đầu vào do bị động, không thống nhất. Theo bà Ngọc, dự thảo luật Đất đai đang chuẩn bị trình Quốc hội cơ bản sẽ xử lý được vấn đề này.
Bộ Công thương sẽ hỗ trợ xử lý tranh chấp thương mại
Về kiến nghị mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Trung Quốc là một trong 3 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam với dung lượng lên tới khoảng 23 tỉ USD/năm. Với việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid, đây sẽ là thị trường tiềm năng cho thuỷ sản.
Tuy nhiên, thuỷ sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 2 đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ (đang chiếm thị phần chi phối 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc). Với các thuỷ hải sản khác như cá biển, tôm, mực, bạch tuộc… Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu từ các quốc gia khác.
"Bộ Công Thương nhất trí với sự cần thiết trong việc đánh giá, xây dựng chiến lược gia tăng thị phần thuỷ sản Việt Nam tại Trung Quốc trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay.
Ông Tân cũng cho rằng, cả 2 hiệp hội, ngành hàng đều đã có nhiều kinh nghiệm liên quan đến các vụ việc tranh chấp thương mại quốc tế trong những năm vừa qua. Với vai trò của mình, Bộ Công thương luôn bám sát toàn bộ các quá trình để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ việc, giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hàng loạt các giải pháp như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại...
Bình luận (0)