Thứ trưởng Bộ TN-MT: 'Nhiều cán bộ vào tù vì thẩm định nhu cầu sử dụng đất'

06/09/2024 11:14 GMT+7

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết, khi thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất, công tác thẩm định là công việc của ngành KH-ĐT, ngành xây dựng… và ngành TN-MT 'đã vào tù bao nhiêu cán bộ vì thẩm định cấp giấy, thẩm định nhu cầu sử dụng đất'.

Trong các ngày 5 - 6.9, Bộ TN-MT tổ chức Hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai năm 2024, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, nội dung Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29.7.2024; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30.7.2024… đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ TN-MT: 'Nhiều cán bộ vào tù vì thẩm định nhu cầu sử dụng đất'- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân chủ trì hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai năm 2024

ẢNH: KHẮC HIẾU

Tuy nhiên, quá trình thi hành các nghị định, thông tư trong lĩnh vực đất đai sẽ không tránh khỏi những vấn đề mà nhiều địa phương chưa thống nhất trong cách hiểu, quá trình triển khai thực hiện vẫn có những vướng mắc nhất định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, ông Ngân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận kỹ lưỡng về các điểm mới, các nội dung còn chưa rõ để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

Nêu ý kiến tại hội nghị, đại diện Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa cho biết, điều 64 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất. Vậy, khi Sở TN-MT thẩm định hồ sơ xin gia hạn của doanh nghiệp thì nội dung thẩm định gồm những nội dung gì, dựa trên căn cứ nào?

Giải đáp thắc mắc, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT), cho biết tại khoản 1 điều 64 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định rất rõ một trong các giấy tờ. Theo đó, tại điểm a khoản 1 là một trong các giấy chứng nhận quy định tại khoản 21 điều 3, khoản 3 điều 256 luật Đất đai 2024. Điểm b là quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền. Điểm c là văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư…

"Nếu có giấy phép gia hạn đầu tư thì đã thể hiện doanh nghiệp đã được phép và đối với nội dung của điểm c thì tôi thấy nội dung này là rất quan trọng trong quá trình thẩm định hồ sơ xin gia hạn", bà Mỹ nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Minh Ngân lưu ý, việc có từ thẩm định về nhu cầu sử dụng đất trong quá trình giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất là sự gửi gắm "thủ tục hành chính".

Ông Ngân phân tích, công tác thẩm định là công việc của ngành KH-ĐT, ngành xây dựng và các ngành liên quan. Trong luật Đất đai 2024, ngành TN-MT nếu thấy các điều kiện đó đã được đáp ứng thì thực hiện thủ tục hành chính theo quy định.

"Ở ngành TN-MT của chúng ta đã vào tù bao nhiêu cán bộ vì thẩm định cấp giấy, thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Và tinh thần của luật này là không có thẩm định. Nếu doanh nghiệp đủ các văn bản thì mình gia hạn thôi chứ thẩm định cái gì. Chẳng lẽ mình thẩm định lại văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian hoạt động của dự án. Chẳng lẽ mình thẩm định lại quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất", ông Ngân nhấn mạnh.

Luật Đất đai 2024 góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy cho biết, luật Đất đai 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó Chính phủ đã giao Bộ TN-MT chủ trì, tham mưu quy định chi tiết 86/96 nội dung.

Thứ trưởng Bộ TN-MT: 'Nhiều cán bộ vào tù vì thẩm định nhu cầu sử dụng đất'- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị

ẢNH: KHẮC HIẾU

Sau đó, Bộ TN-MT đã ban hành 4 nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực thi hành đồng bộ với luật gồm Nghị định số 71/2024/NĐ-CP; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP.

"Đây là thành quả được tạo nên từ tinh thần, thái độ làm việc bền bỉ, kiên trì, công phu, nghiêm túc; sự đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành TN-MT từ T.Ư đến địa phương.

Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta", ông Duy nhấn mạnh.

Theo ông Duy, cùng với các quy định của luật, nội dung các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.