Thứ trưởng Bộ TT-TT: Có minh chứng xóa định kiến ngành báo chí '9 điểm 3 môn'

Quý Hiên
Quý Hiên
08/09/2023 23:01 GMT+7

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho rằng có minh chứng thực tế cho thấy nhận định ngành báo chí thiếu hấp dẫn là không chính xác. Ngược lại, nghề báo là một nghề "có tương lai".

Chiều 8.9, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo T.Ư và một số ban, bộ, ngành đã làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, làm trưởng đoàn công tác. Cùng tham gia đoàn công tác có đại điện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT. Trong buổi làm việc, đại diện Bộ TT-TT, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, có minh chứng thực tế cho thấy nhận định ngành báo chí thiếu hấp dẫn là không chính xác. Ngược lại, nghề báo là một nghề "có tương lai".

Thứ trưởng Bộ TTTT: Có minh chứng xóa định kiến ngành báo chí '9 điểm 3 môn' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho rằng nghề báo là một nghề "có tương lai"

THÚY HÀ

9 điểm một môn chưa chắc đã đỗ

Theo báo cáo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong những năm gần đây, tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông của học viện có sự tăng trưởng đều về mặt quy mô. Đây cũng là nhóm tuyển sinh tiềm năng và có sức hút nhất của học viện hiện nay, chiếm hơn 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cả năm do Bộ GD-ĐT giao.

Đặc biệt, điểm chuẩn các ngành báo chí đều ở mức cao. Năm 2023, trong số các ngành báo chí, ngành thấp nhất có mức điểm chuẩn 33,92/40, cao nhất 36,98/40 (học viện xác định điểm chuẩn theo ngành và theo tổ hợp).

Hằng năm, học viện đều có khảo sát về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhìn chung, sinh viên học nhóm ngành báo chí, xuất bản, truyền thông đều có tỷ lệ việc làm cao, bình quân trên 70% làm đúng lĩnh vực được đào tạo. Nhiều ngành, chuyên ngành tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành/liên ngành báo chí truyền thông trên 80%.

Về mức độ hài lòng của cơ quan sử dụng nguồn nhân lực, kết quả khảo sát hằng năm cho thấy, chỉ số này được đánh giá ở mức cao, đặc biệt trên các khía cạnh chuyên môn và nhận thức, thái độ chính trị, tư tưởng. Đa số sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ quan tuyển dụng.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, công tác đào tạo báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng và đào tạo báo chí nói chung trong những năm qua không những phát huy được truyền thống mà còn có những chủ động sáng tạo để thích ứng linh hoạt với bối cảnh thông tin - truyền thông ngày càng sôi động. Đào đạo lĩnh vực báo chí được người dân quan tâm, thể hiện ở điểm đầu vào từ cao đến rất cao, đặc biệt là với Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ông Lâm nói: "Có một thời gian, xã hội bức xúc trước việc một số nhà báo làm việc không đứng đắn, một số tòa soạn cũng không nghiêm chỉnh. Từ đó mới có định kiến nhà báo là những người "3 môn 9 điểm khối C". Đã có minh chứng là cái định kiến đó không đúng, vì thực tế hiện nay một môn 9 điểm chưa chắc đã đỗ ngành báo chí. Chứng tỏ ngành này có tương lai, nghĩa là có triển vọng về nghề nghiệp và môi trường hoạt động".

Ông Lâm còn cho rằng, việc gần đây nổi lên khái niệm "truyền thông chính sách" là do nhận thức đã thay đổi trong hệ thống cơ quan của chính phủ. Chuyên môn truyền thông đã len lỏi vào trong những kỹ năng không chỉ của những người làm truyền thông mà còn cả của những người làm chính sách, của cơ quan hành chính nhà nước.

Cần đào tạo cả "làm báo" thay vì chỉ "viết báo"

Theo ông Lâm, hiện nay có nhiều câu chuyện mới tham gia vào đời sống báo chí như chuyển đổi số báo chí, báo chí công nghệ, báo chí sử dụng dữ liệu, ứng dụng AI để sản xuất một phần tác phẩm báo chí… Những việc này khiến cho chương trình đào tạo ĐH báo chí phải liên tục cập nhật. Bộ TT-TT sẽ góp phần cùng Bộ GD-ĐT soạn thảo, để Bộ GD-ĐT sớm ban hành chuẩn chương trình đào tạo ĐH lĩnh vực báo chí.

Đồng thời, cả 2 bộ cũng có thể phải cùng nhau soạn thảo hướng dẫn về chương trình đào tạo để áp dụng trong một giai đoạn nhất định, giúp các cơ sở đào tạo có tài liệu tham chiếu.

Ông Lâm cũng nêu thực trạng lĩnh vực báo chí hiện nay chủ yếu đào tạo viết báo, còn khuyết mảng đào tạo "làm báo". Thực tế "làm báo" khiến nhà báo "va" phải một loạt vấn đề như kinh tế báo chí, các kỹ năng quản lý trong báo chí… Có nhiều lãnh đạo trong cơ quan báo chí là những nhà báo có chuyên môn tốt, nhưng khi làm lãnh đạo gặp nhiều vấp váp. Có những người khi làm lãnh đạo thì "làm đúng" nhưng không "nuôi" được quân.

"Chúng tôi đề nghị trong chuẩn chương trình, trong yêu cầu đầu ra nên lồng ghép yêu cầu về kỹ năng làm báo", ông Lâm nêu ý kiến.

Cần xây dựng dữ liệu báo chí trong nước

Cũng theo ông Lâm, một mắt xích rất quan trọng trong hệ thống báo chí hiện nay còn khuyết, đó là thiếu phương pháp tiếp cận, đo đếm, đánh giá, xếp hạng các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản, các ấn phẩm xuất bản… Việc xếp hạng này cần được làm độc lập, với tính chất khuyến cáo, từ các nhà khoa học, để cho giới chuyên môn có căn cứ tham chiếu.

Chúng ta vẫn có các giải báo chí, có cả giải báo chí quốc gia, các giải thưởng này vẫn theo cách truyền thống, là có một hội đồng giám khảo, gồm các chuyên gia - các nhà báo có kinh nghiệm, đánh giá định tính các tác phẩm báo chí dự giải. Trong khi đó, các tác phẩm báo chí rất cần được đánh giá về tác động xã hội, thông qua số liệu. Việc đo đạc, việc tạo cơ sở dữ liệu không những rất cần thiết mà còn là một dịch vụ mang lại doanh thu lớn.

"Một trong những chủ trương hiện nay của Bộ TT-TT là phải có dữ liệu riêng cho báo chí để giảm bớt phụ thuộc vào Google Analytics, phụ thuộc vào những hệ đo đếm đánh giá của các công ty nước ngoài. Các công ty này nằm trong hệ sinh thái phân phối quảng cáo, cho nên họ vừa đo vừa đưa quảng cáo vào. Việc phụ thuộc này đã khiến cho nền báo chí trong nước rất bị động", ông Lâm cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.