|
Ảnh: Ngọc Thắng |
Thưa ông, những sự việc vừa diễn ra như: thu hồi giấy phép của 5 bài hát đã được phổ biến; bắt nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài phải xin phép biểu diễn nhiều lần; giấy phép biểu diễn của vở diễn phải gia hạn mỗi năm 1 lần... có phải đều bắt nguồn từ các nghị định về nghệ thuật biểu diễn? Vậy vấn đề nổi cộm cần ưu tiên sửa trong các nghị định là gì?
Sau những vụ việc vừa rồi thì cả công luận, cả anh em trong ngành đều thấy các văn bản có tính pháp lý còn bất cập, có vấn đề. Theo tôi, phải điều chỉnh theo hướng thuận lợi để tạo ra một động lực cho phát triển biểu diễn chứ không phải tiêu chí đầu tiên là an toàn cho nhà quản lý. Tất nhiên sửa đổi cũng phải tuân theo trình tự, nhưng tôi thấy phải đề xuất vài vấn đề.
Thứ nhất là thời hạn cấp phép 1 năm đối với tác phẩm sân khấu. Cái đó vô lý. Ở các nước khác cũng không có quy định như vậy. Việc này nên bỏ.
Thứ hai là với nghệ sĩ VN sống ở nước ngoài, trước đây, chúng ta cứ quy định cấp phép cho nghệ sĩ diễn cho một tổ chức, sau đó công ty khác mời họ lại xin lần nữa. Nó gây nhiêu khê, nghệ sĩ lại không được làm chủ số phận mình, bị phụ thuộc vào công ty A, công ty B. Bây giờ mình đơn giản hóa bằng cách cấp phép người nghệ sĩ đó. Như thế nghệ sĩ muốn biểu diễn ở đâu sẽ thỏa thuận với công ty đó. Cái này sẽ phải điều chỉnh. Nghệ sĩ sẽ cảm thấy được tôn trọng.
|
|
Nhiều nghệ sĩ không biết phải hằng năm xin cấp phép vở diễn lại. Tại sao ra văn bản pháp luật mà không lấy ý kiến nghệ sĩ?
Thực ra khi lấy ý kiến có nhiều đơn vị muốn giữ việc cấp phép lại. Tôi cũng không hiểu họ muốn gì, hay để chứng tỏ mình có quyền, hay sợ không kiểm soát được nội dung.
Chúng ta có bài hát được cấp phép, nghệ sĩ được quyền biểu diễn. Thế thì tại sao chúng ta lại vẫn cần có hội đồng duyệt để duyệt chương trình. Như thế tốn thời gian, tốn cả tiền thù lao cho người duyệt chương trình? Sắp tới có bỏ điều này không, thưa ông?
Thực tế, có những khi không thể duyệt chương trình. Chẳng hạn, có những chương trình rất khó duyệt vì nghệ sĩ nổi tiếng của nước ngoài sát giờ mới tới. Cho nên chúng tôi sẽ cân nhắc cuộc nào nên duyệt và cuộc nào không cần thiết duyệt, trong khi chúng ta đã nắm được chương trình, hồ sơ, nhân thân người biểu diễn.
Nhiều khi chúng tôi biết chương trình nội dung bài hát tốt rồi, nhân thân nghệ sĩ tốt rồi, ban tổ chức có uy tín rồi, nhưng mà phải duyệt vì xem trang phục có phản cảm không. Thế nhưng cái đó cũng không khả thi lắm vì khi duyệt họ mặc kín, rồi hôm sau lại thay đổi. Riêng các chương trình ca nhạc chính trị quan trọng thì vẫn cần duyệt.
Còn việc phổ biến bài hát sáng tác trước 1975, bài hát của người VN ở nước ngoài sẽ sửa theo hướng nào, thưa ông?
Tới đây sẽ bỏ việc cập nhật bài hát được cấp phép phổ biến. Cơ quan nhà nước tài thánh cũng không làm sao cập nhật hết được, kể cả bài cấm và bài không cấm. Chúng tôi cũng là những người công chức bình thường, lấy đâu ra trăm tay ngàn mắt mà cập nhật cho đủ.
Chúng tôi sẽ kiến nghị giao quyền cho các địa phương, hoạt động tại địa phương nào thì quản lý nhà nước ở địa phương đó chịu trách nhiệm. Trường hợp nào khó, cần trao đổi thì các anh trao đổi với Cục. Chỉ cần bài hát không đi ngược lại lợi ích dân tộc, không phản cảm là được. Chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng rõ: Bài không đi ngược lại lợi ích dân tộc, không đi ngược lại thuần phong mỹ tục thì cho hát không phụ thuộc địa điểm sáng tác, thời gian sáng tác. Tác giả nước ngoài cũng vậy.
Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu về nghệ thuật biểu diễn vừa ra 2012 thì 2015 phải sửa. Nghị định 15 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79 vừa ra đời năm 2016 thì bây giờ lại phải sửa tiếp. Theo ông, tuổi thọ của các nghị định về nghệ thuật biểu diễn có quá ngắn?
Ai cũng thấy là nghị định vẫn không bám sát được đời sống, mà như vậy phải sửa. Để xảy ra tình trạng thế này là do nhận thức, do năng lực cán bộ.
Khi Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi 5 bài hát đã được cấp phép, ông có trả lời mình không đồng ý việc đó. Là Thứ trưởng phụ trách Cục, tại sao ông không yêu cầu rút văn bản cấm đó ngay?
Tôi đã phản ứng hơi chậm. Nhưng Cục có những quyền hạn nhất định. Lẽ ra thông thường các cục khác trước khi ký thì bao giờ cũng trao đổi với thứ trưởng phụ trách.
Bộ có quyết tâm sửa nghị định theo hướng như ông nói trên không, hay chỉ là ông nói quyết sửa vì Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sắp đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội?
Cái này chúng tôi thấy trước rồi. Trước khi làm quản lý tôi cũng là nghệ sĩ, nên tôi cũng thấy bực mình về chuyện quá nhiều thủ tục rườm rà. Cho nên bản thân tôi muốn làm đơn giản.
Ông Vương Duy Biên được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL năm 2012. Trước đó, ông là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Sau khi được bổ nhiệm Thứ trưởng, ông Biên được Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phân công giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông cũng được phân công giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị Cục Nghệ thuật biểu diễn và một số cục khác.
Sau khi ông Tuấn Anh về hưu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vẫn tiếp tục phân công ông Biên giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác chuyên môn đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
|
Bình luận (0)