Thứ trưởng Ngoại giao lý giải vì sao gọi Hội nghị Mỹ - ASEAN là 'đặc biệt'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
14/05/2022 21:54 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc , Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN đã cho thấy tất cả các giới ở Mỹ đều rất coi trọng, cam kết mạnh mẽ và ủng hộ việc phát triển quan hệ ASEAN - Mỹ.

Ngay sau khi Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ kết thúc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn.

Kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa ASEAN - Mỹ

* Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa và kết quả của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ?

Thứ trưởng Hà Ngọc: Đúng như tên gọi, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần này có ý nghĩa đặc biệt.

Thứ nhất, đây là dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ đối thoại tác ASEAN - Mỹ, được tổ chức trực tiếp sau 5 năm gián đoạn, thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất mạnh mẽ của Mỹ, đồng thời là minh chứng sinh động cho thấy cả ASEAN và Mỹ đều hết sức coi trọng và cam kết mạnh mẽ, mong muốn thúc đẩy mối quan hệ đối tác này.

Hội nghị cũng là cơ hội để các lãnh đạo hai bên đề ra những định hướng nâng tầm quan hệ đối tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở mỗi bên, tại khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hà Kim Ngọc

chinhphu.vn

Thứ hai, đây là lần đầu tiên diễn ra các cuộc trao đổi, gặp gỡ giữa lãnh đạo các nước ASEAN với lãnh đạo Quốc hội, Phó tổng thống, các bộ trưởng trong chính quyền Biden, doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, điều đó cho thấy tất cả các giới Mỹ đều rất coi trọng, cam kết mạnh mẽ và ủng hộ việc phát triển quan hệ ASEAN - Mỹ.

Kết quả nổi bật của hội nghị là đã ra Tuyên bố tầm nhìn chung ASEAN - Mỹ trong đó các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ nhất trí cao một số định hướng lớn sau:

Trước hết, hai bên khẳng định cam kết sẽ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi, mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa ASEAN và Mỹ.

Thứ hai, ưu tiên ổn định chuỗi cung ứng, hợp tác biển, an ninh y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ đổi mới và sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững…

Nhân dịp này, Tổng thống Biden đã công bố gói sáng kiến hơn 150 triệu USD, tạo cơ sở quan trọng, tiền đề để thúc đẩy, hỗ trợ thu hút thêm hàng tỉ USD đầu tư từ khu vực tư nhân vào các lĩnh vực hợp tác mà hai bên quan tâm và có lợi ích.

Thứ ba, hai bên khẳng định coi trọng vị trí, vai trò của nhau. Tổng thống Biden khẳng định lại cam kết ủng hộ, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn cùng ASEAN nâng quan hệ đối tác lên một tầm mức mới, chung tay giải quyết hiệu quả các thách thức nảy sinh tại khu vực.

Về phần mình, ASEAN tiếp tục coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn Mỹ tiếp tục can dự tích cực, đóng góp hiệu quả vào hợp tác khu vực, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung trong khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng

dương giang

Thứ tư, hội nghị cũng dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất trí nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, bao gồm Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thúc đẩy môi trường thuận lợi sớm đàm phán đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước UNCLOS 1982.

Ưu tiên khôi phục dòng chảy thương mại, đầu tư

* Xin Thứ trưởng cho biết, sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ?

- Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của hội nghị, cả trong thảo luận cũng như xây dựng văn kiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại tất cả các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị, chia sẻ quan điểm về định hướng phát triển quan hệ ASEAN - Mỹ và tình hình quốc tế và khu vực, được các nước đối tác đánh giá rất cao.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:

Một là đảm bảo hòa bình, duy trì ổn định phải được coi là quan tâm hàng đầu. Các quốc gia cần chung tay hợp tác, chia sẻ trách nhiệm, kiểm soát bất đồng, thượng tôn pháp luật, góp phần hiện thực hóa một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

ASEAN và Mỹ cùng các đối tác khác và ASEAN/các bên cần nỗ lực cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tránh có các hành động đơn phương, làm phức tạp thêm tình hình, xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982, đồng thời đẩy nhanh đàm phán đạt được Bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982.

Mỹ cũng như các nước lớn, các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, phối hợp củng cố, tăng cường các khuôn khổ hợp tác do ASEAN chủ trì; đối thoại thực chất, hiệu quả, tham vấn đầy đủ với ASEAN trên tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm và thượng tôn pháp luật.

Hai là ưu tiên khôi phục dòng chảy thương mại, đầu tư. Việt Nam sẽ hỗ trợ tốt nhất các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ nhanh chóng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, kết nối với thị trường ASEAN đầy tiềm năng; đề nghị Mỹ hỗ trợ ASEAN phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, đẩy nhanh phục hồi toàn diện và bền vững; trông đợi Mỹ thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Mê Kông - Mỹ, góp phần bảo đảm khu vực phát triển hài hoà, chất lượng phát triển, hỗ trợ phát triển đồng đều và bền vững tại khu vực.

Ba là cần có cách tiếp cận toàn cầu trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; ASEAN mong muốn Mỹ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nước ASEAN trong bảo đảm an ninh y tế, nâng cao năng lực y tế, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, khác như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước...

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam, các đoàn viên chính thức đã tiếp xúc với Tổng thống Biden, gặp gỡ các quan chức các lãnh đạo Chính quyền và Quốc hội Mỹ, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, giới học giả, cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ cũng như tiếp xúc song phương với một số lãnh đạo các nước ASEAN để trao đổi thúc đẩy quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm.

Vào chiều 11.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), chuyển tải thông điệp về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề dù là nước lớn hay nước nhỏ, nước giàu hay nước nghèo cũng phải chung sức, khẳng định Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, về phía lẽ phải, về phía luật pháp quốc tế, không chọn bên.

Những thông điệp đó đã được chính giới, giới học giả, ngoại giao đoàn đánh giá rất cao.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.