Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ tại tọa đàm “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay, 27.9.
Ông Tuyên cho hay, đến nay, số ca nhiễm lẫn ca tử vong đã giảm nhiều và chúng ta có thể tính đến phương án mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và việc sản xuất của doanh nghiệp.
“Thực tế, một số tỉnh đã bắt đầu dỡ bỏ giãn cách xã hội và thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đã đưa ra trên tinh thần “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, ông Tuyên nói.
Để thực hiện việc này, các địa phương phải quán triệt đầy đủ và nghiêm túc các văn bản liên quan đến phòng chống dịch bệnh và sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Cụ thể là rà soát các phương án sản xuất của từng doanh nghiệp trên địa bàn. “Nếu xuất hiện F0, doanh nghiệp cần xử lý theo hướng có F0 tại phân xưởng nào thì phong tỏa phân xưởng đó, chứ không phong tỏa toàn bộ doanh nghiệp. Sau khi đưa F0 và F1 đi cách ly thì phun khử khuẩn và làm vệ sinh phân xưởng để 24 giờ sau đó có thể đưa lực lượng mới vào sản xuất. Phương án này đã triển khai rất hiệu quả tại Bắc Ninh”, ông Tuyên khẳng định, đồng thời cho biết thêm, hướng dẫn công tác phòng chống dịch trong tình hình mới đang được Bộ Y tế khẩn trương xin ý kiến để sớm trình Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch để ban hành tới đây sẽ đưa ra các giải pháp căn cơ để doanh nghiệp bước vào sản xuất trong tình hình mới.
Doanh nghiệp FDI đánh giá cao chuyển hướng phòng chống dịch
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đánh giá cao việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch của Chính phủ. Khảo sát của cơ quan này cho thấy có 67% doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực triển vọng kinh doanh, trong đó 47% doanh nghiệp được hỏi nói tiếp tục mở rộng sản xuất.
Con số này càng ấn tượng hơn với các doanh nghiệp Hàn Quốc khi có tới 67,9% cam kết mở rộng sản xuất kinh doanh.
Từ thực tế địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho hay trong 9 tháng năm 2021, tổng số vốn đầu tư thu hút, cấp mới của địa phương tăng 25% so với cùng kỳ và đạt 88% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, cấp mới 42 dự án với tổng vốn đăng ký tăng 50,1% so với cùng kỳ và đạt 62,7% so với kế hoạch năm 2021.
Lý giải cho con số ấn tượng này, bà Hoàng cho hay, bên cạnh giữ kết nối với các nhà đầu tư trên địa bàn, tỉnh tổ chức các hội nghị để kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, lắng nghe các khó khăn cũng như kiến nghị của doanh nghiệp thì địa phương thường xuyên phối hợp với Cục Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản để xây dựng, mở rộng hệ thống điều phối viên hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.
Tương tự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn thông tin, với phương châm “4 sẵn sàng” gồm sẵn sàng mặt bằng; sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư; sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi tối đa theo khung pháp luật; sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn của doanh nghiệp đã giúp tỉnh vươn lên là địa phương phát triển công nghệ đứng đầu toàn quốc, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 cả nước và thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 6.
“Không những thế, Bắc Ninh gần như tập trung thu hút FDI đầu tư cho công nghệ cao, với công nghệ điện tử là mũi nhọn. Trong tổng vốn đầu tư, cơ cấu tỷ trọng đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ chiếm tới 86%”, ông Tuấn nói
Về tình hình sản xuất của khu vực FDI, bà Ngọc cho hay, 9 tháng năm 2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỉ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỉ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư.
|
Bình luận (0)