Chiều 19.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6).
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng mong muốn được lắng nghe những ý kiến cởi mở, thẳng thắn để từ đó Chính phủ có những quyết sách quan trọng với công tác báo chí, truyền thông.
Phát biểu tại đây, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí đã trải lòng nhiều nội dung, trong đáng đáng chú ý là các vấn đề liên quan đến quy hoạch báo chí, kinh tế báo chí trong tình hình mới.
|
Nghiên cứu mô hình tập đoàn báo chí truyền thông
Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho hay, trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn, song khi các cơ quan báo chí được các tổ chức tài trợ kinh phí cho các hoạt động xã hội, tri ân cũng phải đóng thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp là điều rất đáng suy nghĩ.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách thuế phù hợp, trình Quốc hội xem xét, tạo điều kiện cho báo chí, ví dụ như mức thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ quan báo in hiện 10%, báo điện tử là 20%. Hoặc khi xin tài trợ, xã hội hoá để tổ chức tri ân thì có mức thuế hợp lý”, ông Thông kiến nghị.
|
Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh cũng chia sẻ, vấn đề kinh tế báo chí đang là thách thức lớn với báo chí. “Doanh thu càng sụt, không vì mình kém đi mà có nguyên nhân vì khách quan, đó là chạy sang mạng xã hội Facebook, YouTube, Google…. Đó là xu thế chung và điều này góp phần làm nảy sinh hoạt động báo chí tiêu cực”, ông Minh chia sẻ.
Tương tự, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng bối cảnh đó cần sự hỗ trợ của Chính phủ, có thể thông qua hình thức các gói đặt hàng rõ ràng, chất lượng để báo chí thực hiện trách nhiệm cao nhất của mình.
Trao đổi với kiến nghị của lãnh đạo Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, nhấn mạnh rằng, báo chí Việt Nam cần phải có những tập đoàn lớn, tập đoàn đa phương tiện để dẫn dắt. “Chúng tôi xin Thủ tướng có ý kiến, giao Bộ Thông tin - Truyền thông nghiên cứu để cần thiết thì sửa luật sớm”, ông Hùng nói.
Hay như vấn đề thuế, Bộ trưởng Hùng cho rằng đã đến lúc nên trình Quốc hội để xem xét, tháo gỡ một phần khó khăn cho cơ quan báo chí. Chúng ta cũng nên có cơ chế đặt hàng báo chí. Đặt hàng bây giờ khác đặt hàng bao cấp, tức phải theo chủ trương, chủ đề, chất lượng. Chỉ cần được một con số 0,1% ngân sách thôi thì vô cùng lớn cho báo chí”, ông Hùng nêu vấn đề.
|
Trao đổi vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Chính phủ sẽ mời Bộ Thông tin - Truyền Thông cùng Bộ Tài chính có buổi riêng để bàn kỹ nội dung này. “Có khi chỉ sửa một thông tư về quảng cáo trực tiếp thôi là đã giúp báo chí tháo gỡ khó khăn rồi”, Phó thủ tướng nói.
Khen hay chê cũng phải vì lợi ích cộng đồng, đất nước
Chia sẻ với các khó khăn của báo chí như quảng cáo giảm nhanh, kể cả VTV; cạnh tranh mạng xã hội kinh khủng, doanh thu giảm khiến thị phần chỉ còn 30 - 35%..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nhiều người chưa phân biệt được tin của mạng xã hội, coi tin đó cũng như tin báo chí. Tuy nhiên, cũng có trường hợp báo chí bị mạng xã hội chi phối, chạy theo mạng xã hội. Thậm chí, có tình trạng hai mặt trong người làm báo, đó là cùng một vấn đề, khi viết báo thì đúng định hướng, khi viết mạng thì ngược lại, cho thấy đạo đức nghề nghiệp lập trường tư tưởng có vấn đề.
Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí cách mạng phải tìm lại giá trị cốt lõi, tính tiên phong, cách mạng. “Đó là phải đi đầu nhiều vấn đề lớn, mới. Như bảo vệ nền tảng của chế độ, nếu đi sau thì không còn giá trị. Kịp thời, chính xác phải là một yêu cầu. Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính như xây dựng vào bảo vệ chế độ, xã hội, bảo vệ nền kinh tế tự chủ, giữ gìn văn hoá. Mất niềm tin là mất tất cả”, Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu “viết gì, khen hay chê cũng phải vì lợi ích cộng đồng, đất nước, đại cục, không làm xói mòi niềm tin xã hội. Gương tốt người tốt, doanh nghiệp tốt, phong trào tốt cần được phản ánh nhiều hơn vì khi đó niềm tin sẽ cao hơn”.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, tinh thần chung là Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho hình thành một số cơ quan báo chí lớn, làm đầu tàu cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Bình luận (0)