Thủ tướng: Chăm sóc trẻ em khuyết tật, 'không để ai bị bỏ lại phía sau'

31/05/2024 14:52 GMT+7

Sáng 31.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, tặng quà các thầy cô giáo và trẻ em đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội nhân Ngày quốc tế thiếu nhi (1.6).

Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề cho 130 trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng. Trong đó, 62 cháu câm điếc, 44 cháu bị khuyết tật trí tuệ, 7 cháu khuyết tật vận động, 17 cháu tự kỷ, tăng động.

Thủ tướng: Chăm sóc trẻ em khuyết tật, 'không để ai bị bỏ lại phía sau'- Ảnh 1.

Thủ tướng trò chuyện với các trẻ em tại trung tâm

NHẬT BẮC

Trung tâm đang tổ chức 11 lớp học văn hóa (từ 9 - 15 cháu/lớp), trong đó có 8 lớp học văn hóa dành cho trẻ khiếm thính, 3 lớp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Chia sẻ với các học sinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân luôn quan tâm, đầu tư, chăm lo cho công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Đặc biệt là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, mồ côi...

Thủ tướng khẳng định, sự quan tâm, chăm lo đó đã mang lại những kết quả rất tích cực, trẻ em khuyết tật được đặc biệt quan tâm, theo đúng tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Nhiều địa phương, tiêu biểu là Hà Nội, không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách cho trẻ em đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật. Nhiều trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt đã được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm cải thiện điều kiện học tập và chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật.

Ngoài học văn hóa, các cháu còn được học tin học, được hướng nghiệp dạy nghề (hiện có nghệ nhân dạy các cháu làm hoa đất), dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ giúp các cháu hòa nhập cộng đồng. 

Cạnh đó, các cháu được chăm sóc tốt, được vui chơi, tham gia nhiều hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe bổ ích và lý thú.

Thủ tướng rất vui mừng được biết, sau khi được nuôi dưỡng chăm sóc tại trung tâm, có những cháu được gia đình cho đi học tiếp THCS, có những cháu được các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận dạy nghề và tạo việc làm với mức thu nhập từ 3 - 10 triệu đồng/tháng.

Thủ tướng: Chăm sóc trẻ em khuyết tật, 'không để ai bị bỏ lại phía sau'- Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thực tâm, thực chất chăm sóc trẻ em, "không để ai bị bỏ lại phía sau"

NHẬT BẮC

Cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, rào cản của việc tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng đối với trẻ khuyết tật cần được tiếp tục quan tâm, giải quyết. "Khó khăn đến mấy, thách thức đến mấy cũng phải làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng lưu ý tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề như: tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; thừa, thiếu giáo viên cục bộ; tình trạng sách giáo khoa còn những bất cập. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng giáo viên có những hành vi không đúng mực, bạo lực, xâm hại… đối với trẻ em.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đặc thù, như chữ nổi, thiết bị hỗ trợ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ… cho học sinh. Tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.