Thủ tướng chỉ đạo giảm giá cước vận tải trước tết

23/01/2015 04:00 GMT+7

Chiều tối 22.1, trả lời báo chí sau cuộc họp của Tổ điều hành công tác vĩ mô do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: 'Một vấn đề trọng tâm được tổ công tác bàn đến là tác động của việc giá dầu giảm đến kinh tế VN'.

Chiều tối 22.1, trả lời báo chí sau cuộc họp của Tổ điều hành công tác vĩ mô do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: “Một vấn đề trọng tâm được tổ công tác bàn đến là tác động của việc giá dầu giảm đến kinh tế VN”.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT rà soát lại giá thành các loại hình vận tải để giảm tương ứng giá cước vận tải  - Ảnh: Diệp đức minh
Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các Tập đoàn dầu khí VN, Tập đoàn điện lực VN, Tập đoàn xăng dầu VN… bàn những vấn đề quan trọng về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô.
3 kịch bản giá dầu
Công khai giá thành điện
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, giá điện VN đang thấp hơn nhiều các nước trong khu vực nên phải tính toán đảm bảo giá điện tiếp cận giá thị trường, đảm bảo đủ chi phí và có lãi. Điều quan trọng giá thành phải tính chính xác và công khai, minh bạch. “Thủ tướng đã yêu cầu EVN giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng, năng suất lao động đang thấp cần nâng cao, giảm tổn thất điện để có giá thành điện hợp lý hơn. Trên cơ sở công khai giá thành điện, chúng ta sẽ có cơ sở nâng giá điện lên để bù đắp chi phí, có lãi nhất định để ngành điện có nguồn vốn đầu tư mới. EVN đang đưa ra 3 kịch bản tăng giá điện. Tổ công tác xác định từ nay đến tết chưa bàn đến chuyện tăng giá nhưng lựa chọn phương án nào, bao giờ tăng sẽ quyết định sau”, ông Vinh nói.
Bộ trưởng Vinh cho biết theo kịch bản thu ngân sách, Quốc hội đã dự toán xuất khẩu dầu thô giá 100 USD/thùng nhưng hiện giá dầu thô đã giảm dưới 60 USD, có thời điểm dưới 50 USD. Vì thế, tổ công tác đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế dựa trên các phân tích, dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới.
Cụ thể, nếu giá dầu thế giới giảm dưới 60 USD/thùng thì sản xuất có giảm nhưng không đáng kể, ngành dầu khí sẽ phải xem lại một số lô khai thác giá thành cao hơn giá bán thì phải ngừng khai thác hoặc giảm sản lượng. Nếu giá dầu giảm dưới 50 USD/thùng thì giảm khai thác nhiều hơn. Còn nếu giá dầu giảm tới dưới 40 USD/thùng thì phải giảm từ 1,8 đến 2 triệu tấn, trong khi kế hoạch sản xuất 14,74 triệu tấn cả trong và ngoài nước. Nếu giá dầu giảm dưới 60 USD/thùng, tổ công tác ước tính tăng trưởng GDP của VN sẽ giảm so với dự kiến là 0,21%. Nếu dưới 50 USD, thì mức giảm tăng trưởng có thể giảm 0,56%; còn nếu chỉ sản xuất 13,08 triệu tấn thì tăng trưởng GDP có thể giảm 1% còn 5,62%.
Nhưng tác động đến nền kinh tế về giá dầu còn ở chiều nhập khẩu do VN nhập khẩu dầu thô lớn hơn xuất khẩu. “Giá nhập khẩu giảm mạnh thì giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã và vẫn sẽ giảm liên tục. Hiện giá xăng dầu VN đã thấp hơn nhiều các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia. Ở góc độ quản lý, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm thì VN có giảm không? Tổ công tác cũng cân nhắc xem mức giảm so với các nước để không xảy ra tình trạng xuất lậu xăng dầu ra nước ngoài”, ông Vinh cho biết.
Buộc giá cước giảm tương ứng
Tuy nhiên, Tổ công tác điều hành vĩ mô liên bộ cũng cho rằng giá dầu giảm cũng sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành sản xuất. “Tại cuộc họp, Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành quản lý giá xem cơ cấu giá thành vận tải để giảm giá cước, để tác động tích cực vào nền kinh tế. Theo chiều hướng này, nếu giá xăng dầu giảm dưới 60 USD/thùng sẽ tác động đến kinh tế giúp tăng trưởng GDP tăng 0,27%; kịch bản giá dầu dưới 50 USD/thùng thì GDP tăng 0,31% còn nếu 40 USD thì tăng 0,43%”, Bộ trưởng Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT rà soát lại giá thành các loại hình vận tải để giảm tương ứng giá cước vận tải. “Thủ tướng nhấn mạnh cố gắng càng sớm càng tốt, tốt nhất là giảm trước tết”, Bộ trưởng Vinh cho biết.
Ngoài ra, nếu về lý thuyết, giá dầu giảm dưới 40 USD/thùng thì ngân sách thất thu 70.000 tỉ đồng nhưng theo tính toán thực tế của Bộ KH-ĐT, giá dầu giảm dưới 50 USD/thùng thì ngân sách chỉ hụt thu 9.500 tỉ đồng; dưới 40 USD/thùng thì hụt thu 11.500 tỉ đồng. “Bộ Tài chính cũng tính như vậy, nếu 50 USD thì cân bằng, không hụt. Vì hụt thu xăng dầu trực tiếp nhưng giá trị gia tăng đơn vị khác tăng lên, thu nội địa tăng. Nhưng phải tạo mọi điều kiện cho sản xuất phát triển, trên cơ sở giảm cước vận tải và các chi phí liên quan một cách đồng bộ để hụt thu không đáng kể”, Bộ trưởng Vinh nói.
Cước taxi nên giảm thêm 500 đồng/km

Tại cuộc họp chiều qua do Sở GTVT TP.HCM tổ chức, đại diện Sở Tài chính phân tích, qua 27 lần tăng và giảm, đến nay giá xăng đã giảm tổng cộng 7.900 đồng/lít, dầu giảm 7.100 đồng/lít, mức giảm khoảng 32%. Vì vậy, đối với lĩnh vực vận tải taxi, nếu chỉ tính tác động của giá xăng thì phải giảm với mức 8,4%, cước vận tải đường bộ phải giảm 11% mới hợp lý.
Sở Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm cước tiếp tục, đến ngày 31.1 sẽ mở đợt kiểm tra giá cước. Đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho rằng cước taxi nên giảm thêm 500 đồng/km, cước xe tuyến cố định giảm 10 - 15% là phù hợp sau đợt xăng dầu giảm giá ngày 21.1.
Sở GTVT TP cũng vừa báo cáo Bộ GTVT đồng thời thông tin đến Sở GTVT các tỉnh liên quan yêu cầu xử lý 4 doanh nghiệp vận tải khách theo tuyến cố định có xe hoạt động trong Bến xe Miền Đông đã không giảm mà còn tăng giá cước bất hợp lý.
Đình Mười
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.