Thủ tướng chỉ đạo không để Hà Nội thiếu hàng hóa

08/03/2020 07:07 GMT+7

Chiều 7.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và các doanh nghiệp cung cấp đủ hàng hóa cho hệ thống siêu thị và cửa hàng, không để thiếu hàng hóa.

Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Thủ tướng cũng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty CP chăn nuôi C.P VN cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội. Thủ tướng còn yêu cầu các nhà bán lẻ bán hàng đến 23 giờ để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân thủ đô.

Sáng “cháy” hàng, chiều ế ẩm

Sáng qua 7.3, người dân Hà Nội đã đến các siêu thị, chợ dân sinh mua hàng tích trữ. Do nguồn cung dồi dào nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa.
Lượng khách tới các siêu thị tăng đột biến. Siêu thị VinMart đã phải thông báo trên fanpage và phát loa thông báo hàng không thiếu, nhưng người dân vẫn ùn ùn kéo đến mua vì lo sợ dịch Covid-19. Mặt hàng được mua nhiều nhất là thịt, cá, gạo, mì tôm, trứng, dầu ăn, giấy vệ sinh... Tại nhiều khu dân sinh như chợ Mơ, Trương Định (Q.Hai Bà Trưng), chợ Nhân Chính (Q.Thanh Xuân), chợ Hà Đông (Q.Hà Đông), người dân cũng đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Hà Nội có đủ nguồn lực đảm bảo nhu yếu phẩm cho dân, không phải tích trữ gì trong lúc này. Nếu mua sắm ở siêu thị mà không thực hiện tốt các biện pháp an toàn lại dễ lây nhiễm bệnh

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Trả lời PV Thanh Niên, đại diện hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ cho biết đã tiên liệu tình hình và chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, trong kho cũng còn nhiều hàng nhưng do người dân tập trung mua hàng quá đông vào đầu giờ nên chưa kịp đưa ra. “Hàng hóa sẽ được chuyển lên các kệ 2 tiếng/lần”, ông Đỗ Quang Thuần, đại diện hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ tại Hà Nội cho hay.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Central Group VN, cho biết hệ thống Big C của đơn vị này đã tăng hàng dự trữ lên 300 - 400%. Hệ thống này chỉ thiếu cục bộ khi khách hàng đến quá đông, đến mức nhân viên không thể đi lấy hàng phục vụ.
Chiều qua, hoạt động tại nhiều siêu thị ở Hà Nội đã trở lại bình thường, rau xanh, gạo, dầu ăn, mì tôm chất đầy trên các kệ nhưng vắng khách. Thậm chí tại siêu thị VinMart, nhiều mặt hàng khuyến mãi, giảm giá như ngao giá 45.000 đồng/kg rẻ hơn một nửa so với thị trường; gạo Thái mua 1 túi 5 kg tặng kèm túi 1 kg; gạo Thái hồng giảm giá 44%, từ 220.000 đồng xuống 119.000 đồng; mì ăn liền một số loại giảm giá 10%... mà ít người mua.
Chị Đinh Hồng Hạnh (ở phố Mai Động, Q.Hoàng Mai), chia sẻ: “Nhìn cảnh tượng xếp hàng chen lấn nhau mua thực phẩm lúc sáng tôi sợ quá. Nhưng đến chiều mọi thứ lại ê hề. Đúng là chỉ thiếu tiền chứ hàng trong siêu thị không thiếu”.

Siêu thị bán hàng đến nửa đêm, không tăng giá

Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Vincommerce, khẳng định hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ đảm bảo nguồn cung và không tăng giá hàng hóa trên toàn quốc. “Khách hàng không cần phải lo lắng, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu vì nguồn cung rất dồi dào. VinMart, VinMart+ cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung liên tục trong ngày”, bà Tâm nói và cho biết 100% cơ sở kinh doanh của VinMart, VinMart+ cam kết không găm hàng đẩy giá. VinMart+ sẽ mở cửa từ 6 giờ sáng đến khi hết người mua. Một số siêu thị VinMart sẽ mở cửa từ 7 giờ 30 và đóng cửa lúc 23 giờ.

Điều tiết hàng từ các địa phương cho Hà Nội, TP.HCM 

Ngày 7.3, Bộ Công thương họp khẩn để bàn về cung ứng hàng hóa thiết yếu trong dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, VN là quốc gia có năng lực sản xuất nhu yếu phẩm và đã tính toán phương án đảm bảo nguồn hàng cho cả thời điểm cực đoan nhất.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết cơ quan này đã đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn cung thiết yếu để phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, dự báo nhu cầu người dân sẽ tăng nên Big C tăng 3 lần lượng hàng dự trữ tại kho, SaigonCo.op tăng 50%, VinMart tăng từ 30 - 50%. Các nhà cung ứng đều có kế hoạch đảm bảo nguồn cung thực phẩm như gạo, mì, thực phẩm, sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng và không có hiện tượng găm hàng, sốt giá...
Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối, hệ thống các siêu thị trên tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ở các địa phương về cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM để tăng lượng cung ứng cho địa bàn này trong bối cảnh dịch tại các đô thị diễn biến phức tạp.
Trao đổi thêm với Thanh Niên, ông Đông cho hay, sáng sớm 7.3, Bộ đã cùng Sở Công thương Hà Nội đi kiểm tra các siêu thị lớn, yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương tăng nguồn hàng và điều tiết nguồn hàng cho Hà Nội. “Nhiều hệ thống đã điều nguồn hàng từ các tỉnh lân cận về Hà Nội, tăng tần suất giao hàng và tăng nhân lực, làm thêm ca”, ông Đông nói.
Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, để giảm tải người mua tại một thời điểm, Big C sẽ điều chỉnh thời gian mở cửa. Từ hôm nay 8.3, các siêu thị Big C mở từ 7 giờ thay vì 8 giờ như mọi khi và đóng cửa lúc 23 - 0 giờ, khi hết khách hàng.
Đại diện Saigon Co.op Hà Nội cho biết, trong ngày 7.3 đã triển khai phương án điều hàng về Hà Nội. Hệ thống này khẳng định không tăng giá hàng hóa trên toàn hệ thống. Đến ngày 6.3, Saigon Co.op đã dự trữ 500 tỉ đồng hàng hóa cho mùa dịch Covid-19.

Hà Nội khẳng định đủ hàng, kêu gọi người dân không lo lắng

Tại Q.Ba Đình, nơi có khu vực bị cách ly, một lãnh đạo UBND quận cho biết đã lên toàn bộ danh mục nhu yếu phẩm cần thiết, định lượng từng người. “Với 189 nhân khẩu bị cách ly, quận hoàn toàn có thể đảm bảo toàn bộ nhu cầu. Trên địa bàn quận có 32 siêu thị VinMart+, chưa kể Lotte, Intimex… cũng như các chợ truyền thống. Toàn bộ nhu yếu phẩm từ bàn chải đánh răng, giấy vệ sinh, đến gạo, nước mắm, muối… quận hoàn toàn có thể đáp ứng được trong một thời gian dài”, đại diện quận này cho biết.
Theo bà Trần Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cơ quan này đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch, trong đó tập trung vào cấp độ 3 - 4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly… “Trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân”, bà Lan khẳng định.
Để giải tỏa nỗi lo cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng khẳng định Hà Nội có đủ nguồn lực để đảm bảo nhu yếu phẩm cho toàn bộ người dân sinh sống trên địa bàn. “Tôi biết người dân Hà Nội đang vào siêu thị mua hàng rất đông, nguy cơ lây nhiễm ngay tại siêu thị rất lớn. Lãnh đạo Hà Nội muốn gửi đến người dân thủ đô là chúng ta lo lắng là đúng, chính quyền cũng lo lắng, nhưng lo lắng phải bằng hành động thực tế, bảo vệ mình, gia đình, có trách nhiệm khai báo tình trạng sức khỏe của mình cho chính quyền các cấp, không nên hoảng sợ và hoang mang lo lắng quá mức”, ông Huệ nói.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông đã trao đổi với Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C và vị này tuyên bố sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng. “Hà Nội có đủ nguồn lực đảm bảo nhu yếu phẩm cho dân, không phải tích trữ gì trong lúc này. Nếu mua sắm ở siêu thị mà không thực hiện tốt các biện pháp an toàn lại dễ lây nhiễm bệnh”, ông Huệ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.