Thủ tướng chỉ đạo: TP.HCM phải đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm

13/01/2019 06:30 GMT+7

Ngày 12.1, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư làm việc với lãnh đạo TP.HCM về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và Kết luận 21 của Bộ Chính trị.

Về phía lãnh đạo T.Ư có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các bộ: GD-ĐT, LĐ-TB-XH, Y tế, Công thương, NN-PTNT, Tài chính, TN-MT...

Kiến nghị Học viện Cán bộ TP đào tạo cao cấp lý luận chính trị

[VIDEO] Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng rà soát tài sản nhà nước trên địa bàn
Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội (về giao nhiệm vụ, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP).
Theo ông Nhân, có một số đầu việc đã thực hiện, như: ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô; điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn; thực hiện và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập...
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đội ngũ cán bộ đương nhiệm và quy hoạch các chức danh theo quy định của TP khá đông; chỉ tiêu đào tạo được phân bổ cho TP chưa đáp ứng yêu cầu về trang bị trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt. Do vậy, Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép TP được thí điểm chủ động đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp tại Học viện Cán bộ TP; xem xét chấp thuận mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị...
Dự buổi làm việc, về phía lãnh đạo T.Ư có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình... ẢNH: TRUNG DUNG

Kiến nghị miễn visa, tăng thời hạn lưu trú với du khách

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề xuất, kiến nghị Chính phủ 10 nội dung then chốt. Đáng chú ý là đề xuất Chính phủ phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP; ban hành quyết định quy định cơ chế phối hợp giữa TP và các bộ ngành trong việc rà soát, sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý trên địa bàn; sớm ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế...; được chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư đang sử dụng phần diện tích đất có nguồn gốc do đền bù từ đất nông nghiệp, đất chuyên dùng và khu đất này đã được xác định là đất ở trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm và trong đồ án quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…; chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP; đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giảm ùn tắc giao thông...
Ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) và tiếp tục mở rộng diện miễn visa cho một số thị trường quốc tế khác; đồng thời tăng thời hạn lưu trú ở VN đối với khách đến từ các thị trường: Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… từ 15 lên 21 hoặc 30 ngày; xem xét miễn visa đối với khách quốc tế tái nhập cảnh vào VN trong thời hạn 30 ngày.
Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội (về giao nhiệm vụ, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách

[VIDEO] Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng về dự án metro
Tại buổi làm việc, các ý kiến của lãnh đạo T.Ư đều đánh giá cao kết quả mà TP.HCM đã đạt được trong năm qua, trong đó có thành tựu thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra, lên đến gần 380.000 tỉ đồng; đồng thời nhìn nhận TP còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “T.Ư, Chính phủ hết sức tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để TP.HCM tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bứt phá với tinh thần cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước”.
Đối với các kiến nghị của TP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất, đồng thời giao cho các bộ ngành cùng TP.HCM khẩn trương thực hiện. Với những đề xuất có tính chất đặc thù, pháp luật chưa quy định đầy đủ, TP cần xây dựng đề án, tờ trình cụ thể để trình T.Ư, Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định T.Ư, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM, nhưng TP cũng phải ý thức vai trò, trách nhiệm của mình. Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn để TP chủ động thực hiện các nhiệm vụ kịp thời, có kết quả.
Về tầm nhìn phát triển TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra hàng loạt định hướng, giải pháp.
Trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý TP tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm “vì kéo dài sẽ làm chậm phát triển, giảm niềm tin của người dân”; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người; cân nhắc kỹ lưỡng trong trường hợp dừng chủ trương, thu hồi dự án đầu tư để tránh gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung, quyền lợi của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định T.Ư, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM, nhưng TP.HCM cũng phải ý thức vai trò, trách nhiệm của mình. Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn để TP.HCM chủ động thực hiện các nhiệm vụ kịp thời, có kết quả ẢNH: TRUNG DUNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, tình hình tội phạm ở TP.HCM diễn biến phức tạp và yêu cầu TP phải quyết liệt trấn áp tội phạm, giải quyết căn cơ để giữ gìn bình yên cuộc sống cho người dân.
Đối với vấn đề Thủ Thiêm, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM “tiếp tục nỗ lực giải quyết rốt ráo; kết thúc việc này để dành công sức lo các công việc khác”.
“Những bước tiến của TP.HCM trong các năm qua và năm 2018 rất mạnh mẽ, góp công lớn cùng cả nước đưa nền kinh tế ngày một phát triển. TP.HCM phát triển, phải so sánh với Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore..., chứ không so sánh với các TP khác trong nước. Với những vấn đề chưa có sự đồng thuận, cần tích cực đối thoại để tìm lối ra, đưa TP.HCM vào quỹ đạo phát triển mạnh mẽ, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Kiến nghị quan trọng về Thủ Thiêm

[VIDEO] Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng về vấn đề Thủ Thiêm
Đối với vấn đề Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ xác định ranh khu đất khoảng 4,3 ha thuộc KP.1, P.Bình An (Q.2) nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm; đề xuất cho phép TP đàm phán với nhà đầu tư để không thực hiện việc thanh toán và mua lại quỹ nhà đối với dự án đầu tư xây dựng 1.330 căn hộ tại khu dân cư 38,4 ha P.Bình Khánh (Q.2); giảm quy mô đất dự án “Khu phức hợp thông minh”.
Vùng lõi Thủ Thiêm ẢNH: ĐỘC LẬP
Ông Nguyễn Thành Phong đề xuất Thủ tướng cho phép TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Khu phức hợp thông minh” tại khu chức năng số 2a trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô giảm từ 10 lô đất, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,11 tỉ USD còn 6 lô đất; dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD. Đồng thời đề xuất rút gọn thành phần nhà đầu tư tham gia dự án từ 7 xuống còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.