Trong công điện, Thủ tướng đánh giá thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều điểm nghẽn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh phục hồi du lịch theo Nghị quyết số 82. Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác hoạch định chính sách và chiến lược dài hạn.
Một trong những nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là do công tác điều tra, thống kê du lịch còn bất cập, chưa có nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác, đồng bộ để xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch của doanh nghiệp, người dân kịp thời, hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời nâng cao năng lực triển khai và tính hiệu quả của các chỉ tiêu thống kê du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông khẩn trương phổ biến và triển khai nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch theo Nghị quyết số 82, hoàn thành trong quý 2. Trên cơ sở nền tảng này, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê du lịch. Đồng thời, tổ chức kết nối, cập nhật đầy đủ, kịp thời, thông suốt dữ liệu từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tới cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy mạnh việc triển khai kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu về du lịch với dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là việc triển khai ứng dụng trên VNeID để việc thống kê và quản lý khách du lịch thuận lợi, đồng bộ, chính xác; phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư triển khai điều tra thông tin khách du lịch theo chương trình điều tra thống kê quốc gia; xây dựng và triển khai kế hoạch áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), hoàn thành trong tháng 9 năm nay.
Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kinh nghiệm triển khai thống kê du lịch trên thế giới; nghiên cứu ứng dụng các phương thức kết nối, thu thập thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm hoàn thiện hệ thống các bảng biểu về Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp thống kê du lịch để thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai...
Bộ Tài Chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và các địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống... nhằm bảo đảm thống kê, tính toán chính xác thu nhập từ hoạt động du lịch.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các quy định về chế độ báo cáo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch triển khai nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch trên địa bàn; thực hiện công tác báo cáo thống kê trực tuyến định kỳ và đột xuất trên phần mềm báo cáo thống kê của Bộ (tại địa chỉ http://thongke.tourism.vn).
Trước đó, báo Thanh Niên cũng có loạt bài viết chỉ ra những bất cập trong phương pháp thống kê dẫn tới những dấu hỏi về số liệu, thành tích mà ngành du lịch đã đạt được, như: Băn khoăn với doanh thu kỷ lục của du lịch TP.HCM; Du lịch đã thực sự 'thắng lớn'?; Khách tăng, sao hệ sinh thái du lịch vẫn yếu?... Theo đó, các doanh nghiệp và chuyên gia ngành du lịch đều nhận định số liệu thống kê hiện nay còn nhiều bất cập, mang nặng tính thành tích, chú trọng số lượng hơn chất lượng. Hệ lụy là kéo theo các chính sách không chính xác, doanh nghiệp cũng không có cơ sở để xây dựng kế hoạch hành động.
Bình luận (0)