Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
12/02/2023 10:25 GMT+7

Chương trình hành động xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030; trong đó GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm…

Ngày 12.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật và gian hàng trưng bày các sản phẩm vùng Đồng bằng sông Hồng

LÃ HIẾU NGHĨA

Hội nghị có chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và bền vững" với sự tham gia của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành và 11 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng; các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 14 /NQ-CP ngày 8.2.2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.

Theo đó, để Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 8.2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị trên cơ sở bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng - Ảnh 2.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

LÃ NGHĨA HIẾU

Đặc biệt, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, về tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới…

Về mục tiêu, Chương trình hành động xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm…

Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT báo cáo tại hội nghị

LÃ NGHĨA HIẾU

Hội nghị còn có các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong khuôn khổ hội nghị, có 20 dự án ODA, quy mô vốn lên tới hơn 2 tỉ USD được ký kết với các nhà tài trợ là các tổ chức quốc tế. Về vốn đầu tư ngoài ngân sách có 18 giấy chứng nhận đầu tư, 4 quyết định chủ trương đầu tư và 2 biên bản ghi nhớ được ký kết.

Ngoài ra, tại hội nghị cũng công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung TP.Hạ Long đến năm 2040.

Bên lề hội nghị còn có triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững" và Hội chợ trưng bày sản vật đặc trưng, sản phẩm công nghiệp và tư liệu xúc tiến đầu tư của các địa phương trong vùng diễn ra từ 12 - 14.2 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh.

Khác với các hội nghị vùng trước đây chỉ giới thiệu các sản phẩm nông sản của các địa phương trong vùng, ở hội nghị này các địa phương sẽ có thêm các sản phẩm công nghiệp nổi bật, thể hiện rõ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.