Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đất nước cần nhiều doanh nghiệp như Viettel

Mai Hà
Mai Hà
01/06/2019 14:42 GMT+7

Thủ tướng cho rằng, Viettel là minh chứng cho thấy sự thành công của doanh nghiệp nhà nước. 10 - 30 năm tới, Viettel cần vươn lên sánh vai với những Huawei, ZTE, Ericsson, Google, Facebook, thậm chí cả Samsung…

Sáng nay 1.5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Tập đoàn Công nghiệp, viễn thông quân đội Viettel.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về chặng đường 30 năm ra đời và phát triển của Viettel với những đột phá mạnh mẽ để hôm nay đã trở thành một tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, có tên tuổi trên trường quốc tế.
Viettel là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam hiện đạt đẳng cấp quốc tế, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các tâp đoàn hàng đầu khu vực và thế giới. Năm 2019 Viettel được tổ chức quốc tế uy tín (Brandfinance) đánh giá có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam (4,3 tỉ USD), thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới.
Thủ tướng đánh giá, Viettel là một tập đoàn nhà nước tiêu biểu, minh chứng vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, làm ăn có lãi, hiệu quả hàng đầu của Việt Nam.
Hiện, Viettel nằm trong Top 30 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Doanh thu hơn 10 tỉ USD một năm, lợi nhuận hàng năm đạt khoảng 40 - 45 nghìn tỉ đồng (trước thuế); nộp ngân sách khoảng 35 - 40 nghìn tỉ đồng.
“Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng sống động cho sự hiệu quả và vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đánh tan quan niệm doanh nghiệp nhà nước khó có thể làm ăn có hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh đất nước cần nhiều doanh nghiệp như Viettel Ảnh Linh Việt
Sự thành công này cũng cho thấy bài học dù doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào thì con người và quản trị là mấu chốt của thành công. “Đảng, Nhà nước mong muốn có thật nhiều doanh nghiệp như Viettel”, Thủ tướng nói.

Viettel cần lọt top 10 doanh nghiệp viễn thông toàn cầu

Nêu lên 3 vấn đề để suy ngẫm: văn hoá Viettel, triết lý Viettel, tinh thần Viettel là sức mạnh của Viettel, Thủ tướng cho biết ông rất ấn tượng khi đến thăm Viettel thấy treo nhiều khẩu hiệu trong hội trường, ngoài hành lang, nhà làm việc và xưởng sản xuất. Đó là những triết lý hết sức sâu sắc, toát lên bản sắc văn hóa, tinh thần, thái độ làm việc và khát vọng của Viettel.
Thủ tướng cũng đặt câu hỏi: với sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất ấy, sau 10, 20, 30 năm nữa Viettel sẽ như thế nào? Trong báo cáo của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nêu, 30 năm qua, lịch sử Viettel nằm trọn vọn trong những thành tựu chung của đất nước thời kỳ đổi mới. Vậy 10 - 30 năm tới, đâu sẽ là cốt lõi của Viettel tương lai?
Thủ tướng cho rằng, đó là công nghệ, là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển. Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Viettel đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0.
Thủ tướng đề nghị đến năm 2025, Viettel cần đạt mục tiêu đứng trong nhóm 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên, trong đó công nghiệp công nghệ cao đóng góp 5% tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Viettel đứng trong nhóm nhà sản xuất công nghệ cao có quy mô công nghiệp hàng đầu thế giới, có số sản phẩm cốt lõi đi trước và vượt trội, tạo ra tiêu chuẩn quốc tế. Viettel cần vươn lên sánh vai, vượt xa so với Huawei, ZTE, Ericsson, Google, Facebook, thậm chí cả Samsung…
Tại buổi lễ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất. Trước đó, Viettel đã 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lao động - năm 2007; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- năm 2013).

Thành lập năm 1989, Sigelco (tiền thân của Viettel) có nhiệm vụ chuyển một phần cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm của quân đội sang làm kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.

Trong 30 năm hoạt động, từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, đến nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới là ngành dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, ngành công nghiệp quốc phòng, ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.