Sáng 27.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Mỹ với chủ đề "Chính sách và hướng tiếp cận nhằm đảm bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung".
Hội nghị Kinh doanh Việt Nam - Mỹ 2024 tập trung thảo luận về tác động của cuộc bầu cử Mỹ đối với thương mại và đầu tư song phương; khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số, giải quyết các nhu cầu an ninh năng lượng...
Phát biểu trực tuyến từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh về cơ hội mở rộng quan hệ thương mại song phương. Ông cho biết trong 3 chuyến thăm Việt Nam với vai trò ngoại trưởng đã chứng kiến sự hợp tác sôi động, mạnh mẽ giữa hai nước và doanh nghiệp hai bên.
Giám đốc điều hành AmCham Adam Sitkoff thì nhấn mạnh đến "động lực thực sự" trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Việt Nam.
Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết của các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng động lực này để nâng tầm giao thương và đầu tư song phương, đồng thời phối hợp với chính phủ hai nước tháo gỡ các rào cản và thách thức.
Về phía doanh nghiệp, ông Chip Kaye, Chủ tịch Tập đoàn Warburg Pincus, cho rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính đang cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam củng cố hạ tầng kinh tế, đẩy mạnh hội nhập và dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam "hướng tới sự tăng trưởng chưa từng có".
Những cam kết, tầm nhìn chiến lược và các chính sách phù hợp của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế và thúc đẩy chuyển đổi số đã mở đường cho sự phát triển đáng ngưỡng mộ của Việt Nam. Từ năm 2013 tới nay, Warburg Pincus đã có danh mục đầu tư 2 tỉ USD tại Việt Nam và sẵn sàng tiếp tục hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Mong doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh hơn nữa
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thương mại là lĩnh vực hợp tác kinh tế lớn nhất, thành công nhất trong quan hệ hai nước. Hợp tác thương mại đi đôi với thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư.
Song, đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng cũng là sự nỗ lực lớn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Người đứng đầu Chính phủ dành nhiều thời gian chia sẻ với các đại biểu về con đường phát triển, các yếu tố nền tảng, trụ cột, các chính sách, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam về đối ngoại và hội nhập, phát triển kinh tế, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng...
Việt Nam ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Đồng thời, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật với tinh thần "đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển".
Việt Nam cũng đang tập trung triển khai các dự án lớn mang tính "chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế" như nhà máy điện nguyên tử, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các sân bay, cảng biển lớn, hệ thống đường bộ cao tốc...
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của quý báu của các nhà đầu tư. Doanh nghiệp hai nước sẽ là nguồn sức mạnh khai phá tiềm năng hợp tác Việt - Mỹ không giới hạn.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Mỹ sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao, công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Ông cho biết sắp làm việc với lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam. Trong đó, lãnh đạo tập đoàn Nvidia sẽ tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi số, điện toán đám mây, internet vạn vật…
"Việt Nam rất mong các bạn Mỹ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng tháo gỡ các nút thắt này mới thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, mang lại lợi ích lớn hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp hai nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất.
Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ. Tính đến tháng 10.2024, Mỹ có 1.400 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 12 tỉ USD, đứng thứ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast… cũng đang mở rộng hoạt động sang Mỹ.
Bình luận (0)