Sáng 21.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024 và kế hoạch năm 2025. Theo đó, đến 2025, quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 31 - 33 thế giới.
Nhắc lại các điểm sáng điều hành chính sách trong thời gian qua, theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt là việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%. Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1.7)...
Thủ tướng: Đến 2025 quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 31 - 33 thế giới
Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh, đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đặc biệt đã hoàn thành Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km, đưa vào khai thác thêm 109 km đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - QL46B. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Về hàng không, đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Về đường sắt, đưa vào vận hành đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỉ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm.
Vẫn còn tình trạng "chưa đúng vai, thuộc bài"
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng.
Trong 9 tháng, có 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài.
Việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn tập trung nhiều ở T.Ư, vẫn còn tình trạng “chưa đúng vai thuộc bài”.
Về năm 2025, Chính phủ đặt ra các chỉ tiêu: tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD…
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu. Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Đồng thời, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường bộ cao tốc giai đoạn 2026 - 2030. Thu hút đầu tư, phát triển các cảng biển trọng điểm kết hợp trung chuyển quốc tế như cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), Cái Mép hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Giờ (TP.HCM).
Bình luận (2)
Được vậy thì mừng quá
tuyệt vời quá