Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, từ đầu dịch đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu ca khỏi bệnh (92,1%).
Số ca mắc trung bình hàng tháng năm 2021 là 144.000 ca, năm 2022 là 816.000 ca; tỷ lệ tử vong (số người chết/số ca mắc) năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%. Từ đầu năm đến ngày 29.5, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với năm 2022). Cả nước ghi nhận 20 ca tử vong do Covid-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%. Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.
Ngày 5.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Ngày 6.5, Bộ Y tế cũng đã chủ trì cuộc họp với Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất đánh giá bệnh Covid-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật, thẩm quyền quyết định chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B thuộc Bộ Y tế.
Nhìn lại 3 năm phòng, chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 gây bất ngờ cho tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô toàn quốc, với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, chưa có tiền lệ và kéo dài suốt từ đầu năm 2020 tới nay.
Tuy nhiên, chúng ta đã thành công trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19, đi sau nhưng về trước trong công tác này. Bài học kinh nghiệm là luôn đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; chủ động phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; sẵn sàng mọi mặt và có phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống...
Bình luận (0)