Sáng 1.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và quý 3 phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có một số kết quả nổi bật như tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên cả nước, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong rất thấp so với thế giới (0,4% so với 1,1% bình quân toàn cầu); không để dịch chồng dịch; tạo nền tảng quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quý 4/2022 có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cả năm |
nhật bắc |
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73% trong khi chịu sức ép lạm phát thế giới rất cao. Tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ, GDP 9 tháng tăng 8,83% (cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 đến nay). Đặc biệt, 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng trên 11%, cao nhất là Bắc Giang (23,98%), Khánh Hòa (20,48%), Cần Thơ (17,57%). Hai đầu tàu kinh tế gồm TPHCM đạt 9,97% và Hà Nội đạt 9,69%.
Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị sáng 30.9 |
nhật bắc |
Nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá tích cực, lạc quan về Việt Nam. Hãng S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên BB+ với triển vọng “ổn định”. Hãng Fitch Ratings xếp hạng BB với triển vọng “tích cực”. Hãng Moody’s xếp hạng Ba2 với triển vọng “ổn định”. Hãng Nikkei đánh giá Chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam tiếp tục được nâng hạng, xếp thứ 2 thế giới.
Việt Nam được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (Moody‘s, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%).
Dù vậy, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, sức ép lạm phát ở trong nước vẫn còn tiềm ẩn, gây nguy cơ bất ổn vĩ mô. Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện; việc triển khai một số chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế.
Hoạt động sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản tiềm ẩn rủi ro, trầm lắng; nợ xấu có xu hướng tăng. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Vốn FDI đăng ký cấp mới 9 tháng chỉ bằng 57% cùng kỳ.
Diện mạo hầm chui 700 tỉ sắp hoàn thiện ở Hà Nội |
Thủ tướng đặc biệt lưu ý quý 4/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để “về đích”. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; thực hiện đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh việc tiêm vắc xin; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế; khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số nơi như vừa qua; giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng bệnh viện kéo dài.
Việc giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa tạo công ăn việc làm, tạo dư địa, không gian phát triển mới, tạo sản phẩm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ…
Hiện đồng USD tăng giá làm giảm giá đồng tiền nhiều nước, trong đó có đồng tiền của Việt Nam, tác động tích cực tới xuất khẩu nhưng tác động tiêu cực tới nhập khẩu. Do đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước.
Tránh lơ là, mất cảnh giác sau bão
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Trước cơn bão số 4 đổ bộ, chúng ta đã tích cực, chủ động chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đề phòng, di dời dân theo tinh thần "4 tại chỗ", nhờ đó giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là không có thiệt hại về người.
Tuy nhiên, sau bão, một số địa phương có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không quyết liệt, nhất là nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Các địa phương cần hết sức chú ý vấn đề này, cần bám sát tình hình, diễn biến phức tạp của bão lũ, kêu gọi, vận động, hướng dẫn người dân, có những việc phải cương quyết để tránh sự cố chết người.
Bình luận (0)