Thủ tướng: Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, đất nước không thể thịnh vượng

Mai Hà
Mai Hà
04/10/2024 09:34 GMT+7

Sáng 4.10, Thường trực Chính phủ gặp mặt 200 doanh nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực kinh tế.

Cuộc gặp mặt không chỉ để biểu dương, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà còn nối dài chuỗi các hoạt động lắng nghe, chia sẻ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ, ngành với doanh nghiệp.

Thủ tướng: Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, đất nước không thể thịnh vượng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nhân tiêu biểu

ẢNH: NHẬT BẮC

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển và không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với tốc độ tăng như hiện nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 sẽ tiếp tục cao hơn con số 159.000 của năm 2023 và là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Nếu không tính ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào những năm 2020 - 2021, thì số doanh nghiệp thành lập mới đã luôn tăng từ năm 2015 đến nay.

Như vậy, tính lũy kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu doanh nghiệp.

Vừa qua, cơn bão Yagi đã tàn phá 26 tỉnh, thành từ phía bắc trở ra, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. "Chúng tôi rất xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả, cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta luôn phát huy hiệu quả trong những lúc khó khăn, thách thức", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại câu nói của cổ nhân: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng.

Thủ tướng đánh giá, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp góp ý thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này thì mọi chủ thể đều phải làm, nhưng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò nòng cốt.

Vẫn còn tư duy kinh doanh "thời vụ"

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Thủ tướng: Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, đất nước không thể thịnh vượng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị

ẢNH: NHẬT BẮC

Trong 9 tháng năm 2024 đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong 9 tháng năm nay, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.

Lũy kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỉ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 21,5 tỉ USD…

Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Theo khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại”, ông Dũng nêu.

Theo đó, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược.

Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.

Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.