Thủ tướng: 'Làm tốt Chính phủ điện tử cũng là giúp phòng dịch Corona'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
12/02/2020 17:29 GMT+7

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều cơ quan, đơn vị đã ứng dụng công nghệ trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc để phòng chống dịch do virus Corona , nên làm tốt Chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

Chủ trì hội nghị giữa Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương diễn ra hôm nay, 12.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV - tên chính thức vừa được WHO đặt là Covid-19).

Nỗi niềm hơn 100 phụ nữ trong khu cách ly ở biên giới Quảng Ninh

Trong đó, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng Chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Do vậy, theo Thủ tướng, nếu làm tốt Chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh.
Thủ tướng nêu rõ, hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá một năm triển khai Chính phủ điện tử, xem kết quả nào tốt nhất để nhân rộng cách làm đó và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp một cách thực chất. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ thảo luận về các cản trở, khó khăn trong xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là trong việc đưa toàn dân tham gia xây dựng Chính phủ điện tử hay không, các cấp chính quyền đã hưởng ứng mạnh mẽ chưa.
“Chúng ta đưa ra những nhiệm vụ mới, giải pháp mới để năm 2020 thực hiện đạt kết quả tốt, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vào lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam”, Thủ tướng nói và cho rằng, Chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong được mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là đang diễn ra dịch bệnh. Cho nên, phải có định hướng như thế nào để triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động.
Thủ tướng đề nghị nêu rõ các cản trở, khó khăn để khắc phục khi đặt vấn đề rằng không phải không có tình trạng "mạnh ai nấy làm ở khâu này, khâu kia".
Thủ tướng đánh giá cao kết quả ban đầu đáng khích lệ trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ví dụ, theo xếp hạng mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 96/180, tăng 21 bậc so với năm ngoái (đứng thứ 117). Để đạt kết quả này, ngoài việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm thì Chính phủ điện tử đóng góp rất quan trọng bởi nếu “tiếp tục làm thủ công, tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục và giải quyết thủ tục thì có thể xảy ra tham nhũng vặt”.

"Không để bộ máy phình ra"

Ngoài ra, theo Thủ tướng, chúng ta đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi (đạt 10,7%). 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế cấp huyện. Việc tuyên bố các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.
“Từ các báo cáo của các đồng chí thì chúng ta thấy một điều đáng mừng, một cách khái quát nhất là khả năng đột phá xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam là rất cao, có thể rút ngắn so với nhiều nước khác”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Nguyên nhân nào chúng ta xếp hạng chưa cao? Thủ tướng cho rằng, từ các ý kiến phát biểu, có thể thấy một số nguyên nhân như cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm. Một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm. Nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”.
Định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nêu rõ, tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay mới đạt 10,7%.
"Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí, không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tinbộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn”, Thủ tướng nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.